Multimedia Đọc Báo in

Con số nhất thời và câu chuyện sản xuất bền vững

09:00, 01/03/2021

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ câu chuyện về một nông dân trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai được mệnh danh là "người trồng cà phê giỏi nhất Tây Nguyên" khi có thể sản xuất cà phê với năng suất "khủng" 40 tấn quả tươi/ha (9,3 tấn cà phê nhân/ha) và bí quyết của anh ở đây là chọn giống mới để sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Đây có thể xem là tín hiệu tích cực đối với ngành sản xuất cà phê. Bởi việc tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích đang là mục tiêu hướng đến của ngành sản xuất cà phê nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Và trong thực tế đã có những giống cà phê có năng suất vượt trội lên tới 7 - 8 tấn nhân/ha được nghiên cứu, công nhận nhiều năm qua. Thế nhưng năng suất vượt trội như vườn cà phê tại Gia Lai là rất hiếm. Do đó nên chăng các cơ quan liên quan cần sớm có những ghi nhận, đánh giá về những yếu tố liên quan như giống, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm... để hướng đến sản xuất bền vững. Bởi tăng năng suất là cần thiết, nhưng cần phải đi kèm với chất lượng sản phẩm, việc sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Nếu có được đánh giá cụ thể thì mới có thể sớm nhân rộng hoặc đưa ra những khuyến cáo phù hợp.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: Minh Phương
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê vụ 2020-2021. Ảnh: Minh Phương

Nói như vậy là bởi trên thực tế, đã có thời kỳ người trồng cà phê chạy đua theo năng suất và đạt được năng suất cao, nhưng chỉ được một thời gian khai thác (vài ba năm) thì cây có dấu hiệu xuống sức hay năm được mùa, năm mất mùa. Cùng với đó đất bị bạc màu do mật độ thâm canh trên vườn lớn, đầu tư phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng quá nhiều nhưng cây không hấp thu kịp dẫn đến tồn dư trong đất làm mất cân bằng sinh thái môi trường đất.

Tương tự, hồ tiêu cũng có thời hoàng kim (năm 2014) khi giá cán mốc trên dưới 200.000 đồng/kg, nhiều người đổ xô đi trồng hồ tiêu nhưng hiện tại, giá chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá hồ tiêu giảm kéo dài cùng diễn biến dịch bệnh trên cây hồ tiêu phức tạp khiến người trồng điêu đứng. Nhiều làng tỷ phú ở Tây Nguyên trở nên hoang vắng, nông dân bỏ rẫy để… đi làm thuê.

Theo nhiều chuyên gia, sản lượng nông sản tăng cao thường đi ngược với chất lượng nông sản bởi khâu sản xuất quan trọng nhưng thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản lại quyết định chất lượng và giá trị sản phẩm. Và để định giá điều này, nhà thu mua thường kiểm định chất lượng, tính giá cộng thêm nhằm phân loại sản phẩm, xây dựng các nấc thang về giá. Chưa kể, các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới còn đánh giá giá trị sản phẩm thông qua cả quá trình canh tác, nhất là yếu tố bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, sản xuất nhiều nhưng phải có chất lượng mới có vị thế, bảo vệ môi trường mới bền lâu và lấy chất lượng làm thước đo để bảo toàn giá trị khi thương mại là vấn đề cần được ưu tiên để nông sản hội nhập và phát triển bền vững.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.