Hoạt động vận tải hành khách: Khó chồng thêm khó
Tác động của dịch Covid-19, cộng thêm giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến tất cả doanh nghiệp vận tải lâm vào tình trạng “khó chồng khó”.
Từ đầu năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động nhằm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử như đầu tháng 4-2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, hoạt động vận tải bằng xe buýt nội tỉnh và taxi trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động trong thời gian hai tuần. Tiếp đó, đến giữa tháng 4-2020, các loại hình vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe du lịch trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động…
Phương tiện vận tải hành khách tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk. |
Sau các đợt tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo, vận tải hành khách được kinh doanh trở lại, song do tâm lý lo ngại dịch, với phương châm “phòng hơn chống” của người dân nên nhu cầu đi lại giảm mạnh kéo theo tỷ lệ lấp đầy ghế ngồi đạt thấp, doanh thu sụt giảm. Chẳng hạn như tại Hợp tác xã Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) có 20 phương tiện xe buýt, từ đầu năm 2020 đến nay chỉ có khoảng 10 xe thực hiện vận chuyển khách, với 20 chuyến/ngày; trong khi vào thời điểm chưa có dịch Covid-19 xuất hiện, đơn vị thực hiện vận chuyển 32 chuyến/ngày. Ngoài tần suất tuyến giảm thì tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến xe giảm mạnh, chỉ bằng 45 - 50% so với thời điểm chưa có dịch. Cũng tại đơn vị này, khai thác tuyến vận tải hành khách cố định từ huyện Ea Súp đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, tỷ lệ chỗ ngồi trên mỗi chuyến xe chỉ được khoảng 60%.
Trong khi đang gặp khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 thì thời gian gần đây, việc Bộ Công thương điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận tải. Cụ thể, từ chiều 25-2-2021, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, xăng E5 RON92 tăng 722 đồng/lít, giá bán lẻ tối đa là 17.031 đồng/lít; xăng RON95 tăng 814 đồng/lít, giá bán lẻ 18.084 đồng/lít… Đối với hoạt động vận tải, nhiên liệu chiếm khoảng 40% tổng chi phí đầu vào, do đó việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời điểm hiện nay dẫn tới “khó chồng khó” đối với hoạt động của doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng trong điều kiện thực tế nhu cầu đi lại của người dân thấp nên doanh nghiệp vận tải phải hoạt động cầm cự để giữ khách, điều này đồng nghĩa doanh thu sụt giảm, thậm chí chấp nhận thua lỗ.
Xe buýt của một đơn vị vận tải tạm dừng hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vào đầu tháng 4-2020. |
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với hoạt động vận tải. Ngoài tác động bởi tình hình dịch bệnh, chi phí nhiên liệu tăng cao, các đơn vị vận tải còn phải chịu áp lực cạnh tranh bởi thực trạng "xe dù" diễn ra trong nhiều năm qua. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tình trạng xe cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng lại hoạt động đón, trả khách diễn ra thường xuyên dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với đơn vị có đăng ký kinh doanh. Tình trạng chung của các "xe dù" này là “gom" khách ở các điểm dừng đậu của xe buýt, các vị trí trung tâm như chợ, siêu thị, bệnh viện... chạy lòng vòng để thực hiện đón, trả khách. Điều này dẫn tới xe taxi, xe buýt rơi vào tình trạng không có khách, nguy cơ một số đơn vị vận tải ngừng hoạt động khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, từ tháng 8-2019, một số tuyến xe buýt từ TP. Buôn Ma Thuột đi huyện Cư M’gar đã phải dừng khai thác. Hằng năm, để chấn chỉnh tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã mở đợt ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý song chỉ như “muối bỏ biển”, sau thời gian cao điểm đâu lại vào đó.
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 3-2020 đến nay, doanh thu của các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh giảm từ 45 - 50% so với trước, cùng với đó là tình trạng xe dịch vụ trá hình, giá xăng dầu tăng cao càng tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp vận tải hành khách. Tuy nhiên ông Mạnh cũng khẳng định, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động, bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh hiện có 48 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định, với 307 tuyến. Trong đó có 295 tuyến liên tỉnh, 11 tuyến nội tỉnh và 1 tuyến liên vận quốc tế Việt Nam – Lào. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc