Huyện Cư M'gar: Chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng
Thời tiết đang bước vào những ngày nắng nóng, nông dân huyện Cư M’gar tập trung cao độ tưới nước cho cây trồng. Qua kiểm tra các công trình thủy lợi, sông suối, giếng… trên địa bàn huyện, nguồn nước cơ bản bảo đảm, các loại cây trồng được cung cấp đủ lượng nước.
Ông Ngô Xuân Biện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trên địa bàn hiện có 67 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trong đó có 52 hồ chứa và 15 đập dâng, cung cấp nước tưới cho hơn 10.000 ha cà phê, hơn 1.100 lúa đông xuân và các loại cây ăn quả khác. Riêng hồ chứa nước buôn Joong có dung tích trên 17 triệu mét khối nước, bảo đảm cung cấp nước tưới cho vùng hạ du thuộc thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk, các xã Quảng Tiến, Ea M’nang, Cư Suê và điều tiết xuống xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn)… Các công trình thủy lợi này đang phát huy tác dụng, bảo đảm tốt nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Từ đầu tháng 11-2020, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động thực hiện các phương án phòng, chống hạn như: tiến hành rà soát các công trình thủy lợi, nạo vét, phát dọn kênh mương nội đồng, duy trì bảo dưỡng các trạm bơm, sửa chữa công trình thủy lợi nhỏ, đập tạm nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất trong mùa khô.
Anh Lê Công (tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Pốk) tưới nước cho vườn cà phê. |
Cà phê, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích cà phê trên 37.700 ha, hồ tiêu trên 2.500 ha. Thời điểm này, nông dân đang bước vào cao điểm tưới đợt 1 cho cây cà phê. Riêng đối với một số xã nằm ở hướng Tây Bắc và hướng Bắc của huyện chịu khô hạn sớm hơn, bà con đã bước vào đợt tưới lần 2. Gia đình anh Lê Công (tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Pốk) có hơn 5 sào trồng cà phê. Hiện, anh bắt đầu tưới đợt 1 cho cây cà phê. Anh Công cho hay, đợt tưới đầu tiên này cần nhiều nước để tưới đẫm cho cây trồng. Nguồn nước tưới được bơm từ công trình thủy lợi gần đó và hiện vẫn khá dồi dào, kênh mương vẫn đầy nước. Theo anh, khác với mọi năm, thời điểm cuối tháng 12 âm lịch của năm trước, trên địa bàn vẫn có mưa, dù lượng mưa không lớn nhưng đã góp phần làm dịu, giảm bớt sự hanh khô trong đất, nên giảm thiểu sự khô hạn trong mùa nắng nóng cho cây trồng.
Ngoài nguồn nước từ các công trình thủy lợi, nhiều nông dân trên địa bàn huyện còn chủ động tích nước trong các ao, hồ, giếng của gia đình để chủ động nguồn nước tưới giảm nhiệt cho cây trồng. Ông Hà Hải Trà (ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến) trồng 600 cây ổi, 500 cây mít và sầu riêng. "Các loại cây trồng này cần phải tưới nước thường xuyên trong mùa khô. Nguồn nước tưới được lấy chủ yếu từ nguồn nước giếng. Từ đầu mùa khô đến nay, lượng nước luôn bảo đảm nên tôi khá yên tâm'', ông Hà cho hay.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, đến thời điểm hiện tại, nguồn nước tưới cơ bản vẫn bảo đảm nhu cầu sản xuất. Tình trạng thiếu hụt nước tưới chưa xảy ra. |
Mấy năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã bắt đầu ý thức hơn việc sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả cho cây cà phê. Đơn cử như anh Trịnh Công Triều (ở xã Quảng Tiến) trên diện tích 4 sào cà phê có trồng xen tiêu của gia đình, thay vì tưới một năm 3 đợt, thì nay anh chia thành nhiều đợt tưới, mỗi đợt chỉ tưới trong vòng 3 ngày. Theo anh Triều, thời gian tưới cho mỗi gốc cà phê sẽ ít lại, lượng nước cũng ít hơn, như vậy vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới từ giếng đào của gia đình, tránh lãng phí, quan trọng hơn là giúp rễ cây thấm hút tốt hơn, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng hiệu quả rõ rệt so với cách tưới truyền thống trước đây.
Ông Hà Hải Trà (xã Quảng Tiến) sử dụng nguồn nước tưới cho cây trồng. |
Bên cạnh đó, để bảo đảm đủ lượng nước tưới cho cây trồng, nhiều nông dân đã sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm cho vườn cây như: tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tự động… mang lại hiệu quả khá cao. Ngoài ra, nhiều nông dân ở huyện Cư M’gar còn sử dụng các biện pháp truyền thống nhằm giảm lượng nước bốc hơi trong đất như che phủ bằng rơm rạ, cỏ khô. Cách làm này còn giúp bổ sung lượng mùn làm xốp đất.
Ngành nông nghiệp huyện dự báo, trước tình hình thời tiết ngày càng nắng nóng, trong vài tháng tới, nhiều khả năng sẽ xảy ra khô hạn cục bộ ở địa phương, nhất là ở khu vực xã Ea Tar, Ea M’doh, Cư Dliê M’nông, Ea H’đing… Do đó, công tác chống hạn và vận động nông dân tưới tiết kiệm nước vẫn đang được địa phương tích cực triển khai. Hiện các đơn vị quản lý công trình thủy lợi vẫn đang phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp huyện bám sát kế hoạch, giám sát chặt việc điều tiết, bảo đảm phân phối đều nước cho các khu vực sản xuất, sử dụng tốt nhất nguồn nước từ các công trình thủy lợi hiện có và thông báo cho bà con nông dân được biết để có phương án sản xuất phù hợp.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc