Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong sắp xếp, bố trí dân cư ở huyện Ea Súp

06:19, 11/03/2021

Tình trạng dân di cư tự do (DCTD) tại huyện Ea Súp diễn ra từ nhiều năm nay đã kéo theo nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội và áp lực cho công tác sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở đây.

Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, cưỡng chế, xử lý nạn DCTD, như: chỉ đạo các xã rà soát, thống kê, lập danh sách dân DCTD; làm việc với từng hộ có hành vi khai hoang, mua bán, sang nhượng đất trái phép để xử lý theo quy định. Đồng thời, gặp mặt, tuyên truyền về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự phát vẫn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn huyện hiện có 1.144 hộ, với 5.261 khẩu dân DCTD; trong đó riêng năm 2020 có 17 hộ, với 63 khẩu DCTD đến địa bàn. Dân DCTD chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Bình Phước… đến xã Cư M’lan, Ea Lê, Cư Kbang và Ea Rốk sinh sống. Bên cạnh đó, còn có một số hộ dân di cư chủ yếu xâm canh nay đây mai đó, không định cư thường xuyên, nên các cơ quan chức năng không nắm bắt được.

Dân di cư tự do đến huyện Ea Súp gây áp lực cho việc bố trí đất sản xuất.
Dân di cư tự do đến huyện Ea Súp gây áp lực cho việc bố trí đất sản xuất.

Tình trạng DCTD đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gây khó khăn cho sắp xếp ổn định dân cư. Thực hiện Chương trình bố trí, sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 huyện Ea Súp đã triển khai 6 công trình, dự án bố trí dân cư (BTDC), tổng kinh phí gần 9,7 tỷ đồng. Đáng chú ý là các công trình: đường giao thông từ thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan đi tiểu khu 249 (xã Ea Lê) gần 2,6 tỷ đồng; đường giao thông thuộc dự án BTDC tiểu khu 249, 265 và 271, Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh 2,5 tỷ đồng; Trường THCS Lý Tự Trọng và Tiểu học Lê Văn Tám thuộc dự án sắp xếp dân cư xã Ia Jlơi 2 tỷ đồng; đường nội khu dân cư dự án sắp xếp dân cư xã Ia Jlơi 500 triệu đồng; Trường Mầm non Hoa Ban và Tiểu học Lê Hồng Phong thuộc dự án phát triển kinh tế, tiếp nhận hộ kinh tế mới xã Cư Kbang 1,2 tỷ đồng…

Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, việc thực hiện các dự án BTDC trên địa bàn còn gặp nhiều vướng mắc, do người dân vẫn tiếp tục di cư đến vùng dự án, làm phá vỡ quy hoạch, quy mô dự án; một số hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố, không đồng ý di dời đến điểm dân cư được phê duyệt. Bên cạnh đó, dân cư vùng dự án hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người không biết chữ và không thông thạo tiếng phổ thông, nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và truyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có phần hạn chế, dẫn đến hiệu quả các dự án BTDC chưa bền vững. Ngoài ra, trình độ của cán bộ ban tự quản, đoàn thể ở các thôn chưa cao nên công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong quá trính triển khai các dự án, huyện cũng không đủ kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sản xuất bố trí cho người dân.

Một cụm dân di cư tự do tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).
Một cụm dân di cư tự do tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án BTDC, huyện Ea Súp kiến nghị, trong đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh cần quan tâm, lồng ghép các nội dung nhằm phát triển kinh tế, đời sống cho người dân DCTD trên địa bàn huyện; đồng thời đầu tư xây dựng công trình thủy lợi tại các vùng quy hoạch sắp xếp dân cư để phục vụ nước sản xuất cho người dân.

Tại xã Cư M’lan, từ năm 2014 đến nay, có hơn 600 hộ dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào các tiểu khu 276, 280, 286, 295 và 296. Người dân không đồng thuận trong việc di dời đến các dự án BTDC vì đã sinh sống tại đây đã lâu. Do đó, huyện Ea Súp phải xin ý kiến UBND tỉnh về việc hình thành ổn định các điểm dân cư tại các tiểu khu này.


Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.