Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc Ea Kiết

06:31, 09/03/2021

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đạt được nhiều kết quả.

Bộ mặt nông thôn ở xã vùng sâu này đã có sự đổi thay rõ rệt, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên…

Vốn là xã vùng sâu vùng xa, kinh tế - xã hội của Ea Kiết rất khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế… Năm 2010, khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Ea Kiết chỉ đạt 6/19 tiêu chí; các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo...

Trước những khó khăn đó, xã Ea Kiết đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và huy động tối đa mọi nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2010 - 2020, xã Ea Kiết đã huy động được hơn 26,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó riêng huy động từ nhân dân và doanh nghiệp được hơn 10,9 tỷ đồng, 4.278 ngày công lao động và hiến 5.000 m2 đất. Từ nguồn lực này, nhiều công trình đường giao thông nông thôn, lưới điện, nhà văn hóa, sân bóng chuyền… đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới; trong đó, nâng cấp, sửa chữa và làm mới hơn 75,9 km đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: “Khi đã hiểu được ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân rất đồng tình, ủng hộ, từ đó đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chỉ tính riêng trong năm 2020, bà con đã đóng góp 340 triệu đồng, cùng 1.000 ngày công lao động và hiến 1.000 m2 đất để xây dựng các công trình công cộng. Nhiều gia đình dù đã xây dựng tường rào, cổng kiên cố nhưng khi xã vận động vẫn sẵn sàng phá bỏ mà không đòi hỏi sự đền bù hay hỗ trợ từ Nhà nước”.

Một tuyến đường ở xã Ea Kiết được thảm bê tông.
Một tuyến đường ở xã Ea Kiết được thảm bê tông.

Đơn cử như ở thôn 9, trước đây con đường dài 1 km trong thôn là đường đất, nắng bụi, mưa lầy khiến người dân đi lại, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa, nông sản rất vất vả. Đến nay, nhờ sự chung tay góp sức của Nhà nước và nhân dân, tuyến đường này đã được bê tông kiên cố, khang trang, với chiều ngang mặt đường rộng 3 m, dày 14 cm, kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 371 triệu đồng (tương đương 60% bê tông tươi), UBND xã Ea Kiết hỗ trợ 350 triệu đồng, còn lại là người dân trong thôn đóng góp. Những hộ có nhà ở, đất sát đường thì đóng góp 4 triệu đồng (cộng thêm 10.000 đồng/m mặt đường), còn các hộ khác thì góp 3 triệu đồng; các hộ nghèo hoặc không còn sức lao động thì được miễn đóng góp. Mặc dù đời sống của người dân chưa thực sự khá giả, có gia đình phải đóng nhiều lần nhưng bà con vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn cùng nhau tham gia làm đường… Chị Nguyễn Thị Phú, một người dân trong thôn chia sẻ: “Trước đây, thôn đã nhiều lần nâng cấp, sửa chữa đường nội thôn nhưng chỉ là đổ đất, đá nên chỉ được một thời gian thì đường lại như cũ. Khi xã phát động làm đường bê tông kiên cố, dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con đều ủng hộ bởi làm đường cũng là để phục vụ chính gia đình mình”.

Hiện kết cấu hạ tầng của xã Ea Kiết được đầu tư khang trang, 82,88% đường xã và trục đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 50,5% đường thôn, buôn và liên thôn được cứng hóa, bê tông hóa; 12/13 thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng... Tính đến nay, xã Ea Kiết đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ea Kiết đã có diện mạo mới. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,55%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2017).

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.