Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cho cây cà phê

06:22, 25/03/2021

Với mong muốn nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê, anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee liên kết với nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững vừa nâng cao chất lượng hạt cà phê, vừa tạo cơ hội phát triển tour du lịch cà phê.

Du lịch cà phê

Hơn tháng nay, Nguyên Anh khá bận rộn với việc kết nối đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm cà phê từng bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, khi “làn sóng” Covid-19 đợt thứ 3 được kiểm soát, anh mạnh dạn liên kết với các công ty lữ hành để đón khách tham quan, trải nghiệm cà phê. Nguyên Anh cho hay, nhiều du khách muốn tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, thu hái, tham gia vào quy trình rang, xay, pha chế ra những ly cà phê thơm ngon. Đó là lý do anh “lấn sân” thêm mảng du lịch cà phê. Theo đó, Nguyên Anh liên kết với người trồng cà phê ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) để du khách tham quan thực tế, chăm sóc vườn cà phê. Như vậy, nông dân có thêm nguồn thu nhập từ phục vụ khách du lịch.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Anh Coffee.
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Anh Coffee.
 

“Kinh doanh phải có lãi nhưng không là tất cả, chỉ khi lợi ích giữa người bán và người mua được đảm bảo thì mới bền lâu. Mình xắn tay giúp nông dân thay đổi quy trình canh tác, làm cà phê chất lượng, kết hợp khai thác du lịch để nâng cao thu nhập. Đây cũng là hướng đi mình đã chọn khi gắn bó với cà phê”.


 
 Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee  Phạm Hoài Nguyên Anh

Riêng vùng nguyên liệu chế biến cà phê, Nguyên Anh chọn huyện Ea H’leo - nơi đây khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ thuận lợi cho cây cà phê phát triển và cho vị cà phê thơm đặc trưng. Nhiều nông dân ở đây vui vẻ, thiện chí, khát khao thay đổi phương thức canh tác cà phê.

Ông Nguyễn Tháng (ở thôn 6, xã Ea Nam) có 4 ha cà phê, trồng cách đây 20 năm đã già cỗi, năng suất giảm, giá bán thấp nên lợi nhuận không cao. Năm 2019, ông hợp tác với Công ty TNHH MTV Anh Coffee chăm sóc, thu hái vườn cây theo đúng quy định như: hái quả chín đạt 90% trở lên, loại bỏ tạp chất, quả xanh hỏng; thu đến đâu, sơ chế đến đó và phơi trong nhà kính…, nhờ đó giá cà phê bán được 65 nghìn đồng/kg, cao hơn giá thị trường 25 nghìn đồng/kg.

Tìm lối đi riêng

Nguyên Anh sinh ra, lớn lên giữa “thủ phủ cà phê” nhưng mãi đến khi trở thành sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế (Trường Đại học Tây Nguyên) anh mới dành thời gian tìm hiểu về loại cây trồng chủ lực này và sau đó "nghiện" đến nỗi bỏ nghề luật sư để theo đuổi... cà phê. Mỗi khi khách hàng hỏi về cà phê, Nguyên Anh say mê chia sẻ quên cả thời gian. "Những ngày theo bạn cùng lớp về tận nương rẫy, tôi bị “hớp hồn” bởi những chùm cà phê căng tròn chín mọng, rồi mê lúc nào không hay", Nguyên Anh trò chuyện.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffe Phạm Hoài Nguyên Anh (thứ hai từ phải sang) thăm vườn cà phê của nông dân xã Ea Nam (huyện Ea H'leo).
Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffe Phạm Hoài Nguyên Anh (thứ hai từ phải sang) thăm vườn cà phê của nông dân xã Ea Nam (huyện Ea H'leo).

Năm 2012, Nguyên Anh tốt nghiệp đại học, nhưng quyết định theo nghề kinh doanh cà phê. Thời gian đầu, anh buôn bán nông sản, làm nhà phân phối cà phê..., tích lũy vốn và dành thời gian nghiên cứu công thức pha trộn cà phê ngon, chất lượng. Anh đến các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng... để tìm hiểu thói quen, sở thích thưởng thức cà phê của thực khách. Nhờ đó đã anh tìm ra công thức pha trộn riêng, hợp “gu” từng vùng, nhóm người. “Có ngày, mình tự rang xay, chế biến, thử cả trăm ly cà phê. Uống nhiều đến mức say cà phê, nhưng vui khi tìm ra bí quyết công thức pha trộn cho từng "gu" khách hàng”, Nguyên Anh tâm sự.

Sau 5 năm, Nguyên Anh chính thức thành lập Công ty TNHH MTV Anh Coffee. Thời gian đầu, anh chọn mua những dòng cà phê đạt chuẩn để chế biến rồi bán lại song gặp nhiều khó khăn bởi thị trường đã có nhiều “ông lớn" chế biến cà phê. Nguyên Anh chọn hướng đi riêng là kinh doanh cà phê chất lượng. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen tiêu dùng không đơn giản. Khó nhưng không nản, kiên trì thuyết phục khách hàng, dần dần anh có những đối tác, đơn hàng lớn. Để chủ động kiểm soát chất lượng cà phê, anh đầu tư nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu.

Thanh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.