Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Sol chung tay xây dựng nông thôn mới

08:46, 18/03/2021

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngoài mô hình "Nông thôn mới xanh, sạch, đẹp" của Chi hội Nông dân buôn Bek, "Tuyến đường hoa tự quản" của Chi hội Nông dân thôn 2, Hội Nông dân xã Ea Sol (huyện Ea H'leo) còn xây dựng mô hình "Tuyến đường tự quản" của Chi hội Nông dân buôn Hwing...

Đây là mô hình nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới tiêu biểu của xã, khi 6 hội viên người dân tộc thiểu số của buôn Hwing đã tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông nông thôn dẫu kinh tế gia đình khó khăn.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan đường nông thôn buôn Hwing (xã Ea Sol, huyện Ea H'leo).
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan đường nông thôn buôn Hwing (xã Ea Sol, huyện Ea H'leo).

Anh Ksơr Y Tiến là một trong 6 hội viên đóng góp kinh phí làm đường đã sinh sống ở buôn Hwing hơn 25 năm qua nên thấu hiểu nỗi vất vả khi hằng ngày đi lại trên con đường nhỏ, hẹp, mùa nắng thì bụi mù, còn mùa mưa thì trơn trợt. Năm 2019, Nhà nước có chủ trương xây dựng, mở rộng tuyến đường chính của buôn Hwing để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân thuận lợi hơn, anh Tiến chủ động đề xuất với Hội Nông dân xã vận động 10 hộ dân sinh sống trên đoạn đường nội buôn cùng đóng góp kinh phí, ngày công làm đường bê tông.

 
Đến nay, xã Ea Sol đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó các tiêu chí do Hội Nông dân xã đảm nhận cơ bản đã đạt, chỉ còn tiêu chí giao thông và môi trường sẽ phấn đấu hoàn thành, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021".
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sol Vương Thái Hạnh

“Ngày đầu vận động bà con làm đường khó lắm. Sau nhiều lần tuyên truyền, giải thích làm đường giao thông là để phục vụ cho gia đình mình, con cháu mình, 10 hội viên nông dân đồng thuận (6 hộ góp tiền, 4 hộ còn lại đóng góp ngày công), riêng gia đình tôi ủng hộ 10 triệu đồng. Sau 4 ngày thi công, tuyến đường nông dân tự quản sạch đẹp dài hơn 100 m, rộng 2 m, có 3 bi cống thoát nước với kinh phí xây dựng gần 30 triệu đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 22-11-2020", anh Y Tiến nhớ lại. Khi tuyến đường hoàn thành, UBND xã Ea Sol đã tặng Giấy khen cho 6 hộ dân buôn Hwing có thành tích trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới năm 2020. Còn ông Nay Win, Chi hội trưởng Nông dân buôn Hwing hồ hởi nói: "Có điện, có đường bê tông, ô tô vào tận ngõ, người dân ai cũng phấn khởi. Xây dựng nông thôn mới xong, giờ phải làm nông thôn mới nâng cao rồi tiến tới nông thôn kiểu mẫu nữa”.

Người dân buôn Hwing (xã Ea Sol) cùng nhau làm đường giao thông nông thôn.
Người dân buôn Hwing (xã Ea Sol) cùng nhau làm đường giao thông nông thôn.

Bà Vương Thái Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước tiên phải nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức “trông chờ, ỷ lại”. Do đó, cùng với đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh đào tạo nghề nông thôn; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất bền vững; đặc biệt là tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2020, Hội Nông dân xã quản lý 9 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ hơn 8,8 tỷ đồng…, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 41,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 còn dưới 7%. Trong tổng số 1.749 hội viên, sinh hoạt tại 24 chi hội, có 915 hội viên đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hằng năm Hội Nông dân xã còn vận động 100% hội viên nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, không có người phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.