Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên dân tộc thiểu số xung kích lập thân, lập nghiệp

16:37, 23/03/2021

Với tư duy đổi mới và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) người dân tộc thiểu số đã khởi nghiệp thành công bằng các mô hình kinh tế, tạo động lực cho các thanh niên khác tự tin vươn lên lập thân, lập nghiệp...

Anh Y Linh Niê (SN 1990, ở buôn Tring 1, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) là một trong những ĐVTN điển hình vươn lên làm giàu nhờ áp dụng phương thức sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Trước đây, gia đình anh chỉ canh tác 5 ha cà phê theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất thấp. Năm 2010, nhờ tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật chăm sóc, cải tạo vườn cây do địa phương tổ chức, cộng với tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, Y Linh đã mạnh dạn tìm mua 500 cây tiêu giống về trồng xen với cà phê. Chỉ sau 3 năm, hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch (thời điểm này giá tiêu trên thị trường khá cao từ 185.000 - 205.000 đồng/kg), lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Anh Y Cuông Mlô chăm sóc đàn dê.
Anh Y Cuông Mlô chăm sóc đàn dê.

Nhận thấy cây tiêu tiềm ẩn không ít rủi ro bởi bệnh chết nhanh chết chậm và khả năng khi người dân đổ xô trồng thì giá tiêu sẽ giảm, Y Linh lại tiếp tục đầu tư trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ booth, mít Thái… xen trong vườn cà phê. Đồng thời nhổ bỏ, tái canh những diện tích cà phê già cỗi bằng giống mới năng suất, chất lượng cao... Từ năm 2017 đến nay, giá tiêu trên thị trường giảm mạnh, song thu nhập hằng năm của gia đình anh Y Linh vẫn không bị ảnh hưởng nhiều nhờ những loại cây trồng khác bù lại như: cà phê (thu 13 tấn), sầu riêng (3 tấn), bơ (5 tấn)…, lợi nhuận mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng.

 
“Thị Đoàn Buôn Hồ hiện có 7 mô hình kinh tế tập thể và hơn 30 mô hình kinh tế cá nhân do ĐVTN làm chủ, trong đó có nhiều mô hình của ĐVTN người dân tộc thiểu số. Các mô hình đều phát huy hiệu quả kinh tế, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
 
Anh Ngô Quang Huy, Phó Bí thư Thị Đoàn Buôn Hồ

Cùng chung chí hướng lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Y Cuông Mlô (SN 1985, ở buôn Dhu, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) lại chọn phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Năm 2020, anh Y Cuông làm hồ sơ xin chủ trương thành lập Tổ hợp tác nuôi dê nhốt chuồng với 4 hộ thành viên đều là ĐVTN trong xã. Đến tháng 7-2020, được sự giới thiệu của Thị Đoàn Buôn Hồ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã trích gần 100 triệu đồng (nguồn kinh phí của chương trình xây dựng nông thôn mới) hỗ trợ Tổ hợp tác mua 25 con dê giống Bách Thảo. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn dê của Tổ hợp tác sinh sản đều, nhiều hộ đã có dê bán thịt.

Anh Y Cuông chia sẻ, dê là loài vật dễ nuôi, ít mắc bệnh, người nuôi chỉ cần bỏ công chặt các loại lá cây có sẵn ở địa phương như keo, muồng, mít… cho dê ăn nên ít tốn kém. Bình quân mỗi năm dê mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Dê nuôi từ 5 - 6 tháng đã có thể bán thịt với trọng lượng đạt từ 25 - 30 kg, giá trung bình hiện nay là từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Bên cạnh việc bán dê thịt, các gia đình trong Tổ còn sử dụng phân dê để bán hoặc bón cho cây cà phê, tiêu rất hiệu quả. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người dân xã Ea Drông.

Phó Bí thư Thị Đoàn Buôn Hồ Ngô Quang Huy cho biết, hằng năm, Thị Đoàn đã tập trung hỗ trợ ĐVTN nói chung, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, Thị Đoàn còn phát huy tốt vai trò cầu nối trong khai thác vốn vay để hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế; chuyển giao khoa học công nghệ; kết nối với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên… Từ phong trào lập thân, lập nghiệp đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ĐVTN.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.