Agribank Đắk Lắk: Nỗ lực đưa Nghị định 55 vào cuộc sống
Để tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán và quyết tâm của Đảng và Chính phủ đối với chính sách “Tam nông”, ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55), về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP).
Sau 5 năm nỗ lực đưa Nghị định 55 vào cuộc sống, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) tiếp tục cùng hệ thống Agribank khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Nghị định 55 ra đời là một bước phát triển mới trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (Khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. So với Nghị định 41, Nghị định 55 có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc, hạn chế trước đó (mở rộng đối tượng khách hàng vay; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm; có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao; đưa phương thức cho vay lưu vụ vào áp dụng đối với hộ sản xuất; khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp...). Đồng thời, một lần nữa khẳng định chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các biện pháp chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với Agribank, sự ra đời của Nghị định 55 đã mở rộng đường cho tín dụng đầu tư vào thị trường nông thôn, với đối tượng phục vụ chủ yếu là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị của ngành ngân hàng đối với chính sách “Tam nông” của Đảng, với ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính (hơn 12 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay nền kinh tế, 7.600 tỷ đồng nguồn vốn huy động), mạng lưới (28 điểm giao dịch), nguồn nhân lực (trên 500 cán bộ, viên chức, người lao động) và kinh nghiệm tích lũy được sau 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, sau 5 năm thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, Agribank Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của một ngân hàng thương mại nhà nước trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh: Doanh số cho vay đạt 28.420 tỷ đồng, với 165.132 lượt khách hàng được vay vốn. Dư nợ cho vay theo Nghị định 55 đến ngày 31-12-2020 đạt 5.547 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng so với thời điểm tháng 7-2015 (khi bắt đầu triển khai cho vay theo Nghị định 55) là 4.784 tỷ đồng. Việc thực hiện cho vay theo Nghị định 55 đã tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm đầu tư đúng mức, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm nghìn hộ nông dân.
Cán bộ Agribank Krông Pắc (trực thuộc Agribank Đắk Lắk) kiểm tra vườn cây ăn quả của hộ vay vốn. |
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đắk Lắk cho biết, để có được kết quả nêu trên, trong những năm qua lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, nhu cầu về vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định 55. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức chính trị, xã hội gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng, đặc biệt là khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn như: cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua nhà ở; cho vay đối với người đi lao động làm việc ở nước ngoài; cho vay hỗ trợ du học; cho vay các đối tượng mua, thuê nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay theo hạn mức tín dụng; cho vay các dự án đầu tư; cho vay ưu đãi xuất khẩu; cho vay các dự án theo chỉ định Chính phủ…
Để tiếp tục góp phần đưa Nghị định 55 vào cuộc sống, trong những năm tới, Agribank Đắk Lắk xác định mục tiêu và các giải pháp thực hiện chủ yếu, như: Đẩy mạnh công tác huy động vốn đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; bám sát các chương trình kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để đầu tư vốn; triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là với hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều... Đồng thời, tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thu mua và xuất khẩu hàng nông sản chủ lực; tăng tỷ trọng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trong cơ cấu dư nợ; tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo kinh doanh an toàn, hiệu quả; thường xuyên duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm từ trên 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Phan Quốc Lương
Ý kiến bạn đọc