Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

08:32, 09/04/2021

Những năm qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Cư M’gar đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng.

Huyện Cư M’gar hiện có 67 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (gồm: 15 đập dâng và 52 hồ chứa nước). Trong đó, Chi nhánh Công trình thủy lợi huyện Cư M’gar quản lý 35 công trình, các hợp tác xã quản lý 7 công trình và các công ty cà phê quản lý 25 công trình. Nhiều công trình có dung tích lớn và tương đối như: Hồ chứa nước buôn Joong (xã Ea Kpam), hồ Đrao I và hồ Đạt Hiếu (xã Cư Dliê M’nông), hồ buôn Wing (xã Ea Kuêh), hồ Ea Ring (xã Cuôr Đăng)...

Hồ chứa nước buôn Joong (xã Ea Kpam) đáp ứng phần lớn nhu cầu tưới cho cây trồng. Ảnh
Hồ chứa nước buôn Joong (xã Ea Kpam) đáp ứng phần lớn nhu cầu tưới cho cây trồng.

Hồ chứa nước buôn Joong (xã Ea Kpam) có dung tích hơn 17,3 triệu m3 nước. Đây là công trình có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Cư M’gar. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006 đến nay, công trình luôn đảm bảo cung cấp tốt lượng nước tưới tiêu cho 3.140 ha đất canh tác ở các xã Ea Kpam, Quảng Tiến, Ea Tul, Cư Suê, Ea M’nang, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk và một số xã của huyện Buôn Đôn, trong đó có 1.740 ha cà phê, 1.115 ha lúa, 285 ha hoa màu… Anh Nguyễn Phúc Thủy, cán bộ phụ trách Hồ chứa nước buôn Joong cho biết: “Hằng năm, lượng nước ở công trình luôn đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu nước. Hiện tại, lượng nước đủ phục vụ tưới trong vụ đông xuân và tiếp nối vụ hè thu năm 2021”. Còn theo chị Lê Thị Tài, một người dân ở xã Quảng Tiến, nhờ có Hồ chứa nước buôn Joong, nông dân đã chủ động hơn trong trồng trọt, như gia đình chị cách công trình vài cây số nhưng có hệ thống kênh mương tốt nên nguồn nước bảo đảm, chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Cà phê được tưới đủ nước cộng với các biện pháp canh tác khác nên vườn cây của gia đình chị Tài phát triển rất tốt, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha.

Để bảo đảm an toàn các công trình, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, hằng năm UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thường xuyên tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, chống hạn và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất hợp lý, ưu tiên điều tiết nước cho những diện tích thiếu nước; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ công trình thủy lợi và tích cực tham gia nạo vét kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, huy động các nguồn lực để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình bảo đảm theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sản xuất… Chỉ riêng trong năm 2020, toàn huyện đã thực hiện nạo vét được hơn 1.800 m3 đất đá các loại tại các tuyến kênh, cửa vào cống; sửa chữa và nâng cấp hơn 10 công trình thủy lợi… Nhiều công trình sau khi được sửa chữa nâng cấp, hoặc xây mới đã phát huy hiệu quả, bảo đảm năng lực tưới tiêu, tạo điều kiện cho người dân sản xuất thuận lợi, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

 Nhiều  công trình thủy lợi  ở huyện  Cư M’gar  đang phát huy hiệu quả.
Nhiều công trình thủy lợi ở huyện Cư M’gar đang phát huy hiệu quả.

Theo ông Ngô Xuân Biện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, tỷ lệ các diện tích cây trồng chủ động được nguồn nước tưới trên địa bàn đạt 82%. Thời gian tới, khi những công trình hồ chứa, hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thì diện tích chủ động được nguồn nước tưới sẽ lên đến 85%. Nếu như trước đây, nhiều vùng chỉ sản xuất được 1 vụ/năm thì nay nhờ các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả đã trồng 2 - 3 vụ/năm, năng suất cây trồng cũng được nâng lên đáng kể… Hiện giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp của huyện đạt khoảng 100 triệu đồng. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay huyện Cư M’gar đã có 14/15 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.