Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk: Hướng đến kho bạc "không có bạc" và "không có người"
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các đơn vị giao dịch, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, đồng thời triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ hướng đến kho bạc “không có bạc” (không có tiền mặt) và “không có người” (không có khách hàng đến giao dịch trực tiếp).
Theo đó, KBNN Đắk Lắk tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) đối với hầu hết các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (trừ các đơn vị đặc thù là quân đội và công an); thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống nội quy, quy chế cơ quan để điều hành mọi hoạt động trong đơn vị, sửa đổi Quy chế làm việc theo hướng ứng dụng CNTT vào điều hành công việc, giảm bớt thời gian họp phòng, cơ quan. Nhờ đó, 100% đơn vị thực hiện chỉ đạo, xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành (EdocTC); 100% đơn vị triển khai văn bản qua phần mềm, sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành. Lĩnh vực quản lý thu, chi NSNN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO…
Khách hàng giao dịch tại Phòng Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk. |
Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị KBNN (KBNN Đắk Lắk và 14 KBNN các huyện, thị xã) với 1.855 đơn vị giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến.
|
Công tác cải cách TTHC tại hệ thống KBNN được thực hiện đồng bộ với cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 100% TTHC được công bố, niêm yết công khai tại trụ sở hệ thống các KBNN trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc việc cập nhật, công khai đầy đủ các quy trình nghiệp vụ thu NSNN, chi NSNN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức về các văn bản của ngành, địa phương liên quan đến công tác CCHC; giải quyết TTHC theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch… Đặc biệt, hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại với hệ thống hạ tầng CNTT tốc độ cao tạo ra cơ sở hạ tầng vững chắc cho việc triển khai các phần mềm ứng dụng hiện đại, xuyên suốt từ mạng cục bộ của các đơn vị KBNN cấp huyện, thị xã đến tỉnh và KBNN Trung ương, góp phần bảo đảm các phần mềm ứng dụng ngành kho bạc hoạt động ổn định, thông suốt 24/24 giờ. Nhờ đó, năm 2020 KBNN Đắk Lắk tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 510.971 hồ sơ TTHC; từ đầu năm 2021 đến nay tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 138.261 hồ sơ TTHC.
Anh Vũ Đức Thịnh, Kế toán viên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho hay, việc thực hiện các TTHC tại KBNN Đắk Lắk thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, bộ phận kế toán phải đưa chứng từ, hồ sơ thanh toán đến KBNN Đắk Lắk để thực hiện giao dịch nhưng hiện nay, các chứng từ đều được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nên đơn vị luôn có sự chủ động trong giao dịch, tiết kiệm chi phí đi lại. Đặc biệt, các chứng từ liên quan đều có bản scan và lưu trữ khi thực hiện TTHC trên hệ thống KBNN, tránh được việc thất lạc chứng từ.
Không gian tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk khang trang, sạch đẹp. |
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác CCHC tại KBNN Đắk Lắk vẫn còn những bất cập nhất định khi đội ngũ cán bộ, công chức đảm nhận công việc CCHC tại Văn phòng KBNN Đắk Lắk và các KBNN trực thuộc chủ yếu kiêm nhiệm, thời gian bố trí cho công việc còn ít nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Đăng Bẩy, Phó Giám đốc phụ trách KBNN Đắk Lắk cho biết, để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động trong bối cảnh mới và hướng đến "Kho bạc không có bạc”, “Kho bạc không có người” đến giao dịch theo định hướng của ngành, năm 2021 KBNN Đắk Lắk tiếp tục các định hướng cải cách, hiện đại hóa với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch; nâng cao năng suất lao động, giảm thao tác thủ công; nhận diện và quản trị tốt rủi ro để bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc chấp hành quy trình nghiệp vụ KBNN theo kế hoạch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc