Tìm đầu ra bền vững cho nông sản: Nhìn từ huyện Krông Năng
Krông Năng là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và để phát huy được lợi thế này, chính quyền địa phương đã không ngừng quan tâm kết nối doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nông sản trên địa bàn huyện.
Năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp của huyện chiếm 66,5%, tổng giá trị sản xuất đạt 6.239 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, huyện luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Cụ thể là đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Trong đó, huyện tập trung vào phát triển kinh tế tập thể, nhất là thành lập các hợp tác xã (HTX) và xây dựng các chuỗi liên kết. Hiện toàn huyện đã có 57 HTX, 107 trang trại và ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê, mắc ca, cây ăn quả, với sự liên kết tham gia của 9 doanh nghiệp và HTX. Các đơn vị sản xuất đã từng bước được cải thiện hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng trong sản xuất, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là với các sản phẩm cây ăn quả.
Sản phẩm mắc ca được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị về phát triển hợp tác, liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Krông Năng tổ chức cuối tháng 3-2021. |
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Hương Cao Nguyên cho biết, đến năm 2022 và những năm tiếp theo, công ty phối hợp với địa phương thành lập trung tâm nông sản tại huyện Krông Năng; sử dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, từng bước hướng dẫn mỗi nông dân là một thương gia, biết chăm sóc, phân loại và mang sản phẩm của mình đến trung tâm nông sản; tiếp tục mở rộng phạm vi liên kết với các sản phẩm khác.
|
Riêng về phát triển tiềm năng cây ăn quả, huyện đã xây dựng Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện Krông Năng. Đồng thời, huyện kết nối Công ty Cổ phần sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (Công ty Hương Cao Nguyên) liên kết với 4 HTX (gồm: HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, HTX Nông nghiệp Vận tải Thanh niên Đồng Tiến, HTX Nông nghiệp Thành Lợi và HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh), tổng diện tích liên kết 60 ha, với sản lượng 1.150 tấn sản phẩm (cam, vải, sầu riêng, bơ) theo tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu của dự án là bảo đảm đầu ra ổn định và dự kiến tăng thu nhập cho người dân trồng cây ăn quả từ 13 - 15%, hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, không đúng quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn. Điều quan trọng là bên cạnh giải quyết tốt bài toán về giá cả bấp bênh, phụ thuộc thị trường cho nông dân (có trong các điều khoản trong hợp đồng kèm theo), thì doanh nghiệp sẽ có vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng được kế hoạch về sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đại diện Công ty Hương Cao Nguyên, Dự án được triển khai từ tháng 8-2020, đến nay cơ bản thực hiện các nội dung, hạng mục, tổ chức sản xuất và thống kê khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm của các đơn vị liên kết. Trong năm 2021, công ty đã lên kế hoạch thu gom, hướng dẫn các thành viên lựa hàng chuẩn theo hợp đồng, phân loại, đóng gói tại trụ sở của HTX cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học, chợ đầu mối và nhà máy chế biến. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị xuất khẩu về khảo sát, lên kế hoạch, hướng dẫn các thủ tục và tiến hành xuất khẩu các mặt hàng đáp ứng đủ điều kiện (có mã vùng, mã xưởng, đáp ứng thoát dư lượng…) như vải, bơ, sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh cho biết, HTX có 30 ha vải và được UBND huyện kết nối với doanh nghiệp để triển khai quy trình sản xuất VietGAP. Đến nay, toàn bộ diện tích với sản lượng dự kiến 600 tấn đều đạt chứng nhận VietGAP và được Công ty Hương Cao Nguyên ký cam kết thu mua. Có thể thấy, việc liên kết sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên HTX, nhất là về hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và đầu ra cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp tham quan vườn vải của HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh. |
Là thành viên HTX, anh Phạm Văn Bằng chia sẻ, hiện gia đình có 4 ha vải, trong đó có khoảng 400 cây cho thu hoạch. Hiện cây đang trong giai đoạn nuôi quả, dự kiến cho thu hoạch vào cuối tháng 4-2021. Năm ngoái, sản lượng đạt 30 tấn, năm nay ước đạt khoảng 50 tấn. Mặc dù sản phẩm quả vải của Đắk Lắk mọi năm đều rất được giá và đầu ra ổn định vì chín sớm hơn vụ vải miền Bắc nhưng anh vẫn lo lắng vì diện tích vải đang tăng nhanh, trong khi quả vải chủ yếu phục vụ thị trường ăn tươi, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến. Chính vì vậy, anh quyết định tham gia vào HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh để yên tâm làm tốt công việc sản xuất vì không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Được biết, toàn huyện có gần 4.600 ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng trên 11.380 tấn, với các loại cây chủ lực như: sầu riêng, bơ, cây có múi và vải trái vụ, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, nhất là những vùng khó khăn. Ông Trương Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện cho hay, huyện Krông Năng có nhiều yếu tố thuận lợi về phát triển nông nghiệp, ngoài yếu tố đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thì người nông dân trên địa bàn huyện rất năng động, sáng tạo, chịu khó trong sản xuất. Chính nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp địa phương luôn đạt giá trị cao, đặt biệt huyện đã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao. Huyện đang làm quy trình liên kết với Viện Kinh tế và quản lý của Tây Nguyên xây dựng đề tài khoa học để đưa các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc