Từng bước đưa các sản phẩm thế mạnh "lên sàn"
Qua hơn một năm đầy biến động vì dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh cũng mở ra nhiều cơ hội để đến gần hơn với người tiêu dùng.
Khai thác tiềm năng từ thương mại điện tử
Trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TMĐT không còn quá xa lạ với cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Sở Công thương cho biết, năm 2020 có khoảng 5% dân số toàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua hàng trực tuyến ngày càng cao. Đặc biệt, hằng năm riêng loại hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng tăng trưởng khá với mức tăng 10% mỗi năm.
Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần AKIE Việt Nam (đơn vị chuyên tư vấn, quản trị chiến lược kinh doanh và đào tạo bán hàng trên Amazon) cho hay, Đắk Lắk là thị trường có nhiều lợi thế, năng động để phát triển TMĐT, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mật ong, thủ công mỹ nghệ... Bán hàng qua sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các DN vừa và nhỏ, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư.
Theo số liệu từ Sở Công thương, năm 2020 giao dịch TMĐT theo loại hình DN - DN chiếm khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; 80% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: “Đây là kênh bán hàng quan trọng của DN và là phương thức giao dịch an toàn cho người tiêu dùng. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta muốn tăng trưởng xuất khẩu thì phải chuyển bán hàng qua các sàn TMĐT”.
Chuyên gia giới thiệu về cách thức tham gia bán hàng trên Amazon cho các doanh nghiệp của tỉnh. |
Trên thực tế, bán hàng qua TMĐT, DN có thể mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn và góp phần đưa sản phẩm của DN tiếp cận với nhiều khách hàng toàn cầu. Ông Lê Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, việc ứng dụng TMĐT bước đầu trở thành một phương thức giao dịch đem lại nhiều hiệu quả cho DN xuất khẩu như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9. Năm 2020 vừa qua, trong khi các giao dịch trực tiếp không thể thực hiện được, không thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng thì thị trường tiêu thụ có tín hiệu tích cực nhờ TMĐT. DN vẫn có thể duy trì các đơn hàng xuất khẩu, tăng cường mối liên hệ với đối tác, khách hàng thông qua họp trực tuyến, trao đổi qua mạng Internet, đồng thời giảm được các chi phí tiếp thị, bán hàng.
Từ năm 2019, Bộ Công thương đã chọn 100 DN của Việt Nam để tham gia bán hàng trên Amazon. Đắk Lắk có 1 DN là Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam chế biến cà phê được chọn tham gia xuất khẩu thông qua TMĐT. Đây là “bước đà” tốt để mở ra nhiều cơ hội phát triển TMĐT bền vững trên địa bàn, đưa những sản phẩm thế mạnh của tỉnh vào hệ thống bán lẻ toàn cầu.
|
Ở góc độ kinh doanh nhỏ lẻ, chị Phạm Thị Hoa, tiểu thương ngành hàng quần áo ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 càng khiến cách kinh doanh truyền thống, mua bán trực tiếp ở chợ gặp nhiều khó khăn. Điều này buộc chị phải học hỏi rồi đầu tư thiết bị để bán hàng online nhằm cải thiện doanh thu.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
Trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (hình thức kinh doanh từ DN, công ty tới khách hàng) tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tại Đắk Lắk, kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng xác định rõ mục tiêu: có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 60% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn hiện đại bảo đảm được việc thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng...
Sản xuất cà phê tại Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam. |
Bám sát định hướng này của tỉnh, Sở Công thương luôn nỗ lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến. Trong đó, chú trọng các hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về đưa sản phẩm bán trên các sàn TMĐT lớn, xu hướng kinh doanh, cũng như thông tin về các tiêu chí, yêu cầu khi bán hàng, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương … Từ đầu năm 2020, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các DN, giới thiệu về TMĐT và hoạt động TMĐT. Ngoài ra, Sở cũng đã làm việc với Alibaba, Amazon để có những hướng dẫn cụ thể, đào tạo cho DN tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến - xu hướng tất yếu mà ngành công thương hướng đến trong thời gian tới. Từ đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT cho các DN trên địa bàn.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin, trong 3 năm trở lại đây, TMĐT trên địa bàn tỉnh đang có những tín hiệu tích cực. Các DN dần thay đổi tư duy, phương thức bán hàng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch điện tử. Ngày càng có nhiều DN quan tâm và ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ mua sắm, trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu. Các sản phẩm giá trị gia tăng cao được chế biến từ các loại nông sản của tỉnh cũng được các DN khởi nghiệp chú trọng phát triển và bước đầu phân phối, bán hàng qua các kênh TMĐT.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc