Multimedia Đọc Báo in

Dân thị trấn phải kéo điện tự phát

17:38, 19/05/2021

Mặc dù có điện lưới đi qua, nhưng hàng chục năm nay, người dân thôn 5, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) vẫn phải tự kéo đường điện để sử dụng phục vụ đời sống. Tình trạng này đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy cho người dân địa phương.

Theo phản ánh của người dân, cụm dân cư thôn 5, thị trấn Ea Súp hình thành khoảng đầu những năm 1990, tập trung chủ yếu những hộ dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Cao Bằng di cư vào đây làm ăn sinh sống. Đến năm 1998, thôn 5 mới chính thức được thành lập. Cũng khoảng thời gian này, khu vực trung tâm huyện Ea Súp có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, đến hai năm sau, bà con ở thôn 5 vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng do không được đầu tư đường điện vào các cụm dân cư.

Một trạm biến áp do người dân thôn 5, thị trấn Ea Súp đầu tư xây dựng
Một trạm biến áp do người dân thôn 5, thị trấn Ea Súp đầu tư xây dựng

Để có điện phục vụ đời sống, sinh hoạt, nhất là việc học hành của con em, người dân ở đây phải góp tiền, đầu tư làm đường dây kéo điện từ lưới điện quốc gia về.

Ban đầu, người dân chỉ phải kéo 2 đường điện từ trạm biến áp của Chi nhánh Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ea Súp. Sau này dân cư phát triển, các hộ phải đóng góp mua trạm biến áp và kéo thêm 6 tuyến đường dây từ các vị trí khác về mới đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện.

Ông Lê Đình Thân, Trưởng thôn 5 cho biết, ở thôn này hiện có 136 hộ, với 576 nhân khẩu, có 8 tuyến đường điện hạ áp do người dân tự kéo. Để có được hệ thống đường điện, người dân ở đây phải đóng góp tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng mua và lắp đặt máy biến áp, đường dây, trong đó có hộ đóng góp đến 40 triệu đồng, hộ ít cũng chừng 10 triệu đồng. Do lưới điện người dân tự đầu tư nên mỗi lần bảo dưỡng hay hư hỏng đường dây, thiết bị, bà con cũng phải tự góp tiền để sửa chữa, trong đó có hai đợt nhiều nhất lần lượt là 100 triệu đồng và 40 triệu đồng để sửa trạm biến áp, đường dây và thay đồng hồ. Chưa kể, mỗi lần bị sự cố như sét gây cháy nổ, nhiều hộ còn bị hư hỏng các thiết bị dùng điện trong gia đình, gây thiệt hại lớn.   

Lưới điện người dân tự kéo nên nhiều vị trí không bảo đảm an toàn, một số cột điện làm bằng gỗ, đường dây đi thấp qua rẫy. Đã có trường hợp trụ điện gãy đổ gây nguy hiểm và nguy cơ chập điện, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, khoảng cách từ lưới điện quốc gia đến nhà dân khá xa, có điểm hơn 2 km nên hao tổn điện năng trên đường dây lớn, khiến người dân phải “gánh” thêm khoản này và đóng tiền điện cao hơn thực tế sử dụng.

Đoạn đường điện mất an toàn tại thôn 5, thị trấn Ea Súp
Đoạn đường điện mất an toàn tại thôn 5, thị trấn Ea Súp

Ở 8 tổ dùng điện này, so sánh chỉ số tại công tơ tổng và số điện các hộ dùng thực tế thì bình quân tổn thất điện năng khoảng 1.000 kWh/tháng. Do đó, bà con phải đóng tiền điện ở bậc thang cao, giá điện có thời điểm lên đến 3.200 đồng/kWh. Đây là gánh nặng lớn đối với người dân ở đây, bởi đa phần họ thu nhập không cao. Đơn cử như gia đình ông Lê Đình Thân chỉ dùng những thiết bị sử dụng điện thông thường như tivi, tủ lạnh, quạt và chiếu sáng, nhưng tiền điện phải đóng hằng tháng từ 500.000 – 700.000 đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Đại chủ yếu sử dụng điện cho sinh hoạt, thỉnh thoảng mới tưới cây trong vườn bằng máy bơm công suất nhỏ, nhưng tiền điện bình quân 700.000 đồng/tháng, có thời điểm cao nhất là hơn 2 triệu đồng/tháng.

Tiền điện phải đóng cao do chịu tổn thất trên đường dây nên các tổ dùng điện ở đây chỉ cho phép bà con kéo điện vào mục đích phục vụ sinh hoạt. Các hộ muốn kinh doanh, dịch vụ phải đến các địa bàn khác có điện lưới để làm. Đơn cử như gia đình ông Lê Đình Thân phải sang thôn 6 mở điểm dịch vụ xay xát, nhưng tiền điện hằng tháng cũng chỉ tương đương tiền điện dùng cho sinh hoạt của gia đình ông ở nhà.

Để được sử dụng điện lưới an toàn, trả tiền điện theo mức tiêu thụ thực tế, người dân thôn 5, thị trấn Ea Súp sẵn sàng bàn giao lại cho ngành Điện toàn bộ hệ thống lưới điện mà bà con đã đầu tư. Tuy nhiên, thiện ý này chưa được giải quyết do lưới điện không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Để giải quyết tình trạng bất cập trên, huyện Ea Súp đã kiến nghị ngành Điện có kế hoạch tiếp nhận trạm biến áp của các nhóm hộ lắp đặt để đầu tư, cải tạo, xây dựng mới đường dây hạ áp và lắp đặt công tơ trực tiếp đến các hộ dân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.