Multimedia Đọc Báo in

Những hạt gạo ấm lòng người nghèo mùa giáp hạt

08:20, 18/05/2021

Chính sách chăm lo, hỗ trợ người dân khó khăn mùa giáp hạt là việc làm nhân văn, được Chính phủ quan tâm thực hiện từ trước đến nay.

Thực hiện Quyết định số 642/QĐ-TTg, ngày 4-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Đắk Lắk để cứu đói nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã đã kịp thời triển khai cấp phát gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu ăn ở địa phương.

Trong thời gian giáp hạt năm nay, toàn tỉnh được phân bổ hơn 854 tấn gạo do Chính phủ xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia cứu đói cho nhân dân. Theo chế độ, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15 kg gạo. 13 địa phương được nhận gạo đợt này gồm các huyện: Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, Ea Súp, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, M’Drắk, Lắk và thị xã Buôn Hồ. Lắk là địa phương được nhận gạo hỗ trợ nhiều nhất với hơn 107 tấn, địa phương ít nhất là huyện Krông Ana với gần 26,5 tấn.

Người dân  xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) nhận gạo hỗ trợ mùa giáp hạt.
Người dân xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) nhận gạo hỗ trợ mùa giáp hạt.

Với người dân nghèo, mỗi ký gạo nhận được đã kịp thời giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Là hộ nghèo, lại một mình nuôi 4 con nhỏ, nỗi lo thiếu cái ăn mùa giáp hạt luôn rình rập gia đình chị Hồ Thị AVa (dân tộc Vân Kiều, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc). Nhận bao gạo, chị AVa xúc động nói: “Nếu không có sự hỗ trợ này thì thật tình tôi không biết phải xoay xở như thế nào. Nhà không có đất sản xuất, tôi và đứa con gái lớn phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Khó khăn càng thêm chồng chất khi dịch COVID-19 xuất hiện, có khi cả tháng không ai kêu làm thuê. 75 kg gạo là “tài sản” lớn với tôi lúc này, giúp tôi tiếp tục gồng gánh nuôi cả gia đình”. Anh Y Săn Byă (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cũng chia sẻ: “Nhà có 9 người, lần này được nhận 135 kg gạo, tôi vui lắm. Bởi lúa trong bồ đã cạn mà lúa ngoài đồng còn xanh, có không ít bữa cơm, vợ tôi đành phải nấu ít đi vài nắm gạo vì sợ thiếu ăn mùa giáp hạt. Số gạo trên đủ để cả nhà có cái ăn, chờ vụ lúa mới”.

Theo UBND tỉnh, cuối năm 2020, đầu năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, kéo theo đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu lương thực. Qua rà soát, trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021, toàn tỉnh có 16.321 hộ, với 56.942 khẩu cần hỗ trợ gạo.

Quá trình rà soát các hộ nghèo, hộ khuyết tật, khó khăn, có nguy cơ bị thiếu ăn được thực hiện dân chủ, công khai. Ông Huỳnh Văn Cúc, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắc cho biết, toàn huyện có 843 hộ, 3.221 nhân khẩu có nguy cơ thiếu lương thực. Hiện nay, 48.315 kg gạo đang được trao đến tay người dân. Trước đó, huyện yêu cầu các địa phương lập danh sách, thống kê, tổng hợp nhu cầu các hộ nằm trong diện khó khăn, có nguy cơ thiếu ăn trong thời gian giáp hạt cần hỗ trợ. Việc này được thực hiện từ cấp thôn, buôn, xã đến huyện để bảo đảm sát nhu cầu thực tế, đúng đối tượng, số gạo được cấp.

Có thể nói, những ký gạo cứu đói, dù có thể không nhiều nhưng đủ để người nghèo khó ở địa phương thấy ấm lòng. Điều này càng củng cố thêm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước với công tác chăm lo đời sống, bảo đảm các điều kiện an sinh xã hội cho nhân dân.

Để hàng dự trữ quốc gia đến tay người dân sớm nhất, Cục Dự trữ Nhà nước đã khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện vận chuyển, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành xuất cấp, giao hàng kịp thời cho các địa phương theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm về chủng loại, đủ về số lượng, chất lượng, đúng chế độ, chính sách và đúng đối tượng. Công tác giao nhận gạo về các địa phương được hoàn thành trước ngày 18-5-2021.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.