Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã tìm hướng vượt "bão COVID-19"

07:50, 26/05/2021

Tác động của đại dịch COVID-19 trong suốt hơn một năm qua khiến hầu hết hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường… để thích ứng và phát triển.

HTX Dịch vụ và thương mại Quỳnh Tân (huyện Krông Ana) kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và quản lý chợ Quỳnh Tân, với 104 thành viên và 170 thành viên liên kết.

Năm 2019, HTX bắt đầu triển khai sản xuất cà phê chất lượng cao, với sản lượng 20 tấn đạt chuẩn, bán giá tăng thêm từ 7.500 – 8.000 đồng/kg nhân, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Sang niên vụ 2020, HTX đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất cà phê chất lượng cao thì phía đối tác thu mua gặp khó khăn về đầu ra ở cả thị trường trong và ngoài nước do tác động của đại dịch COVID-19. Cả niên vụ, HTX chỉ bán được 30 tấn cà phê đạt chuẩn với giá cộng thêm chỉ 5.500 đồng/kg.

 

Một số sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk tại Ngày giới thiệu các sản phẩm an toàn của hợp tác xã năm 2020.
Một số sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk tại Ngày giới thiệu các sản phẩm an toàn của hợp tác xã năm 2020.

 

Trong hoạt động quản lý chợ, mặc dù HTX đã tăng cường triển khai công tác phòng dịch như: bố trí dung dịch sát khuẩn, nơi rửa tay, tăng cường nhân lực nhắc nhở tiểu thương và khách mua hàng đeo khẩu trang..., song do tâm lý lo sợ cùng với việc người dân giảm dần mua trực tiếp ở chợ truyền thống sang các hình thức mua hàng khác khiến việc kinh doanh của tiểu thương bị ảnh hưởng lớn. Năm 2020, chợ có 130 hộ kinh doanh thì đến năm 2021 chỉ còn 115 hộ. Doanh thu từ việc cho thuê ki-ốt của HTX cũng bị giảm mất khoảng 10 – 15%.

Ông Nguyễn Viết Tốt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ và thương mại Quỳnh Tân chia sẻ, dịch bệnh là một trong những khó khăn bất khả kháng và khó lường, nhưng cũng là cơ hội để HTX có thể chuyển mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp. Trước mắt, HTX tiếp tục vận động tiểu thương làm tốt cả hai nhiệm vụ phòng chống dịch và đảm bảo lưu thông hàng hóa, động viên nông dân đầu tư sản xuất theo hướng chất lượng cao. Ngoài việc tích cực tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê có chứng nhận, HTX còn đang liên kết với một doanh nghiệp trồng xen dổi vào cà phê. Đến nay, HTX đã triển khai trồng xen 4.700 cây dổi trong vườn cà phê và chuẩn bị trồng thêm 5.000 cây nữa.

 

Hợp tác xã Nấm - rượu nấm Tâm Đức Tam Giang điều chỉnh sản xuất để thích ứng với những tác động  của đại dịch COVID-19.
Hợp tác xã Nấm - rượu nấm Tâm Đức Tam Giang điều chỉnh sản xuất để thích ứng với những tác động của đại dịch COVID-19.

 

Với một HTX còn non trẻ như HTX Nấm - rượu nấm Tâm Đức Tam Giang (huyện Krông Năng), việc đưa các sản phẩm ra thị trường gặp trở ngại rất nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sản phẩm nấm ăn vốn được tiêu thụ hằng ngày đã giảm xuống chỉ còn đạt bình quân 300 kg/tháng, chưa bằng 1/3 so với trước, giá cũng giảm 5.000 đồng/kg. Còn với sản phẩm chủ lực là rượu nấm dược liệu, những tháng giáp Tết là mùa tiêu thụ mạnh nhất trong năm thì suốt hai mùa Tết vừa qua, lượng tiêu thụ không đáng kể. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của HTX đã ở con số âm. Trong khi đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mà đơn vị đăng ký tham gia đã bị hoãn, hủy do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, gần đây nhất có thể kể đến là Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2021.

Để thích nghi với tình hình khó khăn chung do diễn biến khó lường của dịch bệnh, HTX đã chủ động điều chỉnh sản xuất, giảm một phần sản lượng nấm để giảm bớt áp lực về đầu ra. Bên cạnh các hình thức bán hàng truyền thống, HTX đẩy mạnh quảng bá qua website, mạng xã hội, thiết kế các gói khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng khi mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, HTX cũng chủ động liên kết, hợp tác trao đổi, hỗ trợ giao thương các đặc sản vùng miền theo chuỗi mang tên “Tâm Đức Foods”, tiêu biểu là việc đưa các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận gồm: nho tươi, rượu nho, táo sấy, nước mắm… lên thị trường Đắk Lắk; ở chiều ngược lại thì có các sản phẩm: nấm, hạt mắc ca, cà phê, hạt điều... Cuối năm 2020, HTX đã mở một cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và dự kiến giữa tháng 6-2021 sẽ tiếp tục mở một cửa hàng tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Pho, Giám đốc HTX Nấm - rượu nấm Tâm Đức Tam Giang cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và kéo dài như hiện nay, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, HTX cần có thêm nguồn trợ lực, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các hình thức hỗ trợ giãn nợ, giảm thuế để yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Pho cũng kiến nghị đến các cơ quan chức năng nghiên cứu hình thức kết nối giao thương trực tuyến, tạo các trang thông tin đầu mối để HTX có thể giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác tiềm năng.

Có thể thấy, tùy thuộc loại hình sản xuất kinh doanh, các HTX đã có những “đối sách” riêng để thích ứng với khó khăn chung mà đại dịch gây ra. Tuy nhiên bên cạnh sự chủ động của các HTX vẫn cần thêm sự linh động của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ để HTX dễ dàng tiếp cận hơn, phù hợp với bối cảnh vừa sản suất, kinh doanh vừa phòng, chống dịch hiện nay.

Để hỗ trợ các hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện việc giãn nợ khoản vay từ Quỹ Hỗ trợ HTX cho một số đơn vị, thời hạn tối đa là 6 tháng. Hiện có 31 HTX đang vay vốn từ nguồn quỹ này với tổng dư nợ gần 14,4 tỷ đồng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.