Multimedia Đọc Báo in

Sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Ea Pil

07:55, 25/05/2021

Sau 10 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Ea Pil đã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện M’Drắk.

Một trong những “bí quyết” thành công của Ea Pil chính là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới; người dân trở thành chủ thể của phong trào với phương châm “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Từ đó, nhân dân sẵn sàng góp công, góp của xây dựng các tuyến đường chưa có kế hoạch đầu tư của cấp trên.

Điển hình như: người dân thôn 9 đóng góp 80 triệu đồng, hơn 100 ngày công lao động để làm 380 m đường bê tông (rộng 1,5 m, dày 10 cm); người dân thôn 10 đóng góp 30 triệu đồng làm được 1,5 km đường đất; bà con xóm Đồi thôn 1 tự đóng góp 56 triệu đồng, 75 ngày công để làm 350 m đường bê tông; người dân thôn 11 đóng góp 45 triệu đồng sửa được 1 km đường cấp phối; người dân thôn 13 đóng góp 9 triệu đồng để sửa chữa 700 m đường cấp phối; các thôn 12, 14, 5, 3… cũng vận động bà con đóng góp sửa chữa một số đoạn đường bị hư hỏng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhân dân còn tự nguyện đóng góp tiền để mua đất xây dựng 2 nghĩa trang tại thôn 3 và thôn 7 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; hiến hàng nghìn mét vuông đất và hoa màu trên đất, tự giải phóng mặt đường đối với các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã...

 

Ông Phạm Đăng Tân thu hoạch nhãn.
Ông Phạm Đăng Tân thu hoạch nhãn.

 

Ngay từ những năm đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Văn Thụ (thôn 14) luôn gương mẫu, đi đầu vận động bà con trong thôn phát triển kinh tế gia đình, hiến đất, hiến cây làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Với bản chất cần cù, chịu khó của người nông dân và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của người lính Cụ Hồ, ông Thụ đã xây dựng kinh tế gia đình với mô hình đa cây, đa con, chuyển đổi dần từ trồng các loại cây màu “lấy ngắn nuôi dài” sang các loại cây trồng lâu năm cho năng suất cao.

Đến nay, gia đình ông có 20 ha đất sản xuất, trong đó có 15 ha cao su, 1,5 ha nhãn, 2 ha lúa và 1 ha ao thả cá; bình quân mỗi năm có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Trưởng thôn 14, ông Thụ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, dành nhiều thời gian cho công việc chung của thôn. Trong thôn, ai gặp khó khăn, ông đều vận động bà con chung tay giúp đỡ; làng xóm có bất hòa, ông cùng Ban công tác mặt trận thôn đến hòa giải... Đặc biệt, thôn 14 là thôn điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, các tuyến đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp với sự chung tay, đóng góp của nhân dân.

Nhân dân xã Ea Pil phấn khởi trong Lễ công bố xã Ea Pil đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân dân xã Ea Pil phấn khởi trong Lễ công bố xã Ea Pil đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ông Phạm Đăng Tân (thôn 10) cũng là nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương với vườn nhãn gần 10 ha mang lại thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình, ông Tân còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trước thực trạng tuyến đường liên thôn từ thôn 10 vào thôn 5 dài gần 4 km đã xuống cấp, khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, ông Tân đã mạnh dạn đề nghị với ban tự quản hai thôn xây dựng phương án, tổ chức họp dân để vận động bà con đóng góp mở rộng đường.

Riêng gia đình ông Tân đã hiến 700 m2 đất, 32 cây nhãn và đóng góp 15 triệu đồng tiền mặt để xây dựng đường nông thôn mới. Nhờ sự đóng góp của người dân, tuyến đường nói trên đã được thi công san ủi mở rộng dài gần 4 km, rộng 8 m, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.