Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế tập thể

08:00, 10/05/2021

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Ðảng, Nhà nước. Để tạo động lực phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh, ngày 30-8-2016 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐND về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 (Nghị quyết 02).

Trợ lực cho HTX

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 02, trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ như: Đào tạo bồi dưỡng tập huấn cán bộ HTX; ứng dụng đổi mới công nghệ khuyến nông, khuyến công; xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi sản xuất các sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh; HTX được ưu tiên tham gia chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ứng dụng đổi mới công nghệ xây dựng nhãn hiệu thương hiệu hàng hóa và nhân rộng mô hình HTX điển hình… Từ những nguồn hỗ trợ này, nhiều HTX đã tích cực mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi hướng đến nâng cao giá trị nông sản, tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm trái cây của Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Srêpốk 3 trưng bày trong Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019.
Sản phẩm trái cây của Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Srêpốk 3 trưng bày trong Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, HTX hiện có 49 thành viên, trong đó người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 90%. HTX hiện đang tổ chức sản xuất cà phê đặc sản, sử dụng 100% quả chín để phơi, sấy. Ngoài bán cà phê nhân, HTX còn sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan chất lượng cao. Cuối năm 2019, HTX nhận được gói hỗ trợ 320 triệu đồng từ Trung tâm Các chương trình kinh tế - xã hội (trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. HTX cũng đối ứng hơn 100 triệu đồng để trang bị máy tách màu nông sản hiện đại, công suất lớn. Với máy tách màu này, HTX có thể nhanh chóng tách riêng cà phê xanh, quả khô lép để thu được cà phê quả chín hoàn toàn và thu mua cho các hộ thành viên, nông dân liên kết với giá 10.000 đồng/kg quả tươi, cao gần gấp đôi so với giá thị trường cùng thời điểm.

Tại huyện Krông Bông, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình là đơn vị đi đầu trong việc liên kết với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, mía đường quy mô lớn. Năm 2019, HTX đã được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống sơ chế, sấy, xay xát, đóng gói nhằm phát triển các mặt hàng lúa gạo, trái cây chất lượng cao. Theo ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, đây là nguồn hỗ trợ thiết thực, kịp thời để HTX tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa, đưa các sản phẩm lúa gạo, mía đường, trái cây của địa phương đến tận tay người tiêu dùng thay vì xuất bán nguyên liệu như trước đây.

Còn với HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3, dù chưa được hỗ trợ về kinh phí, nhưng đơn vị lại được hỗ trợ tích cực về mặt đào tạo, tập huấn và quảng bá sản phẩm. Giám đốc HTX Đỗ Văn Long chia sẻ, hằng năm các sở, ngành, địa phương đều tạo điều kiện cho đơn vị được tham gia các lớp đào tạo để nâng cao về trình độ quản lý nhân sự, cách lập dự án đầu tư và marketing. Ngoài ra, đơn vị còn được tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình.

 

“Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai một cách hiệu quả đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế Nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng

 

Không chỉ những HTX kể trên mà trong giai đoạn vừa qua, từ các chính sách, chương trình hỗ trợ, nhiều HTX trên địa bàn đã đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng liên kết chuỗi với các đối tác tiêu thụ; quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình. Bước đầu, các HTX đã chứng minh được vai trò, hiệu quả của đầu tư chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho HTX và thành viên qua từng năm.

Khơi dậy tiềm năng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ khi thực hiện Nghị quyết 02, hoạt động của các HTX đã khơi dậy được tiềm năng to lớn trong nhân dân khi bảo đảm tính dân chủ, tự chủ hoạt động, tự nguyện cùng nhau hợp tác để giải quyết nhu cầu chung của thành viên, của cộng đồng trong việc thúc đẩy sản xuất, tận dụng các nguồn lực trí tuệ, lao động, vốn, kỹ thuật, tài nguyên. Đặc biệt, hoạt động của khu vực KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 225 HTX hoạt động thì năm 2020 có đến 480 HTX (tăng 2,13 lần); trong giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm bình quân có 63 HTX được thành lập (đạt 160% so với Nghị quyết 02 đề ra), tỷ lệ HTX khá giỏi chiếm 67% (đạt 134%). Số thành viên tham gia HTX khoảng 60.000 thành viên, tham gia khu vực KTTT khoảng 124.000 thành viên (đạt 134%), gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 80.500 lao động.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình Võ Văn Sơn (thứ hai từ phải sang) giới thiệu sản phẩm gạo sạch của hợp tác xã.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình Võ Văn Sơn (thứ hai từ phải sang) giới thiệu sản phẩm gạo sạch của hợp tác xã.

Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng thiết thực, hiệu quả, có xu hướng tăng và ổn định. Doanh thu bình quân HTX năm 2020 đạt 1,5 tỷ đồng/năm. Từ đó đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đưa số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh lên 120/152 xã. Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Nghị quyết 02 đã góp phần giúp các HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao vị thế, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của KTTT trong nhân dân và năng lực quản lý của cán bộ ở khu vực KTTT, HTX cũng được nâng cao.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.