Multimedia Đọc Báo in

Tiềm năng từ du lịch canh nông

16:59, 25/05/2021

Tận dụng lợi thế về nông nghiệp, mô hình du lịch - nông nghiệp đang bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn Đắk Lắk. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng để thúc đẩy du lịch và nông nghiệp cùng phát triển bền vững.

Tận dụng những thế mạnh về đất đai, khí hậu, sản vật và văn hóa dân tộc đặc thù, thời gian qua, tại Đắk Lắk xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp thu hút, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.

Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê đã phát huy tiềm năng sản phẩm đặc thù của Tây Nguyên để xây dựng các farm sản xuất cà phê chất lượng cao, vừa tạo ra sản phẩm giá trị cao, vừa kết hợp du lịch trải nghiệm để thu hút khách đến tham quan.

Tiêu biểu phải kể đến Trang trại Cà phê Aeroco (Aeroco coffee farm) ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Vốn dĩ đây là một trang trại sản xuất cà phê chất lượng cao với quy trình kép kín, điều đặc biệt ở đây là các vườn cà phê của farm được thiết kế đa dạng sinh học theo hướng vườn rừng nên trong vườn không chỉ có cây cà phê mà còn có các loại cây che bóng và cây ăn quả.

Tất cả đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, không có sự can thiệp của thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Khi du khách đến tham quan farm ngoài việc tìm hiểu về cây cà phê, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến… thì còn được trải nghiệm hái cà phê cũng như các loại quả trong vườn (bơ, sầu riêng, mít, chanh, chuối, ổi, tiêu…).

 

Du khách Nhật Bản đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch cà phê  tại Khu du lịch sinh thái  -  văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP. BuônMa Thuột). Ảnh: Phương Đình
Du khách Nhật Bản đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch cà phê tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP. BuônMa Thuột). Ảnh: Phương Đình

 

Theo anh Lê Đình Tư, chủ của Aeroco coffee farm, điều mà anh muốn đạt tới nhất là khi khách tìm đến farm sẽ học được một điều gì đó ở nơi này. Chính vì vậy, các sản phẩm du lịch của farm đều được xem như một "đứa con tinh thần", được những người tham gia vào chuỗi chăm chút ở các khâu sản xuất, tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng trải nghiệm, mua sắm.

Đồng thời, farm cũng chú trọng đến việc tạo cảm xúc thoải mái cho du khách ngay khi đặt chân tới. Đó là đầu tư làm những khu vệ sinh sạch sẽ, nơi nghỉ chân thoáng mát, trồng nhiều loại hoa, tạo không gian đẹp để du khách chụp hình kỷ niệm; có nhiều loại thức uống đáp ứng được sở thích đa dạng của khách…

Tuy nhiên, muốn mô hình này phát triển bền vững thì trước hết phải xây dựng cho farm một chiến lược bài bản. Trong đó, đặt yếu tố về sản phẩm sạch, an toàn lên hàng đầu để nhắm vào một phân khúc khách hàng tiềm năng, tạo dựng sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng khiến họ sẵn sàng bỏ tiền chọn những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Từ đó, mới tạo được "vết dầu loang", thu hút, kết nối được nhiều khách hàng đến với farm.

 

Vườn cà chua nova của Nông trại sinh thái hồ Ea Kao được trồng theo mô hình công nghệ cao  để thu hút khách đến trải nghiệm.
Vườn cà chua nova của Nông trại sinh thái hồ Ea Kao được trồng theo mô hình công nghệ cao để thu hút khách đến trải nghiệm.

 

“Đang tình hình dịch bệnh nên farm không mở cửa đón khách, tranh thủ thời gian này để tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như các sản phẩm du lịch. Hướng sắp tới, farm tận dụng nhà kính trong những tháng không phơi cà phê để trồng rau, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách; xây dựng các tour tìm hiểu cà phê chuyên sâu (chế biến, thử nếm..); sử dụng định vị GPS và số hóa các farm…”, anh Lê Đình Tư cho biết.

Cũng phát triển theo hướng du lịch canh nông nhưng Nông trại sinh thái hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) không chọn cà phê làm sản phẩm chủ đạo mà kết hợp trồng các loại rau, quả trong nhà kính, nuôi cá, các loại cây ăn quả… để cho du khách đến trải nghiệm hái và thưởng thức tại vườn. Anh Nguyễn Đức Thuận, chủ nông trại cho biết, với ước mơ về xây dựng một khu du lịch canh nông, diện tích này (gần 2 ha) trước đây đã được anh đầu tư trồng các loại cây ăn quả như bơ, mít, táo và các loại rau, quả cho giá trị dinh dưỡng cao như cải xoăn kale, cà chua nova, phúc bồn tử. Tất cả được nông trại canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sạch từ vườn đến bàn ăn.

 

Du khách tìm hiểu quy trình chế biến cà phê đặc sản ở Aeroco coffee farm.
Du khách tìm hiểu quy trình chế biến cà phê đặc sản ở Aeroco coffee farm.

 

Kết hợp với địa thế đẹp của nông trại (một mặt giáp với hồ Ea Kao, một mặt giáp với cánh đồng lúa), năm 2020 anh chính thức mở cửa khu Nông trại sinh thái hồ Ea Kao, mỗi ngày cũng có đến 200 - 300 lượt khách vào tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm sạch từ trang trại. Đặc biệt, anh Thuận xây dựng 1000 m2 nhà kính để trồng cà chua nova và 500 m2 trồng cây phúc bồn tử để bảo đảm sản phẩm được sạch cũng như cho ra những quả chín mọng đến tay khách hàng tiêu dùng. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm tự tay hái những quả cà chua chuẩn sạch theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và có thể ăn ngay hoặc mang về làm quà. Dự định trong tương lai, nông trại sẽ xây dựng thêm homestay để du khách ở lại qua đêm, cùng trải nghiệm, khám phá các sản vật của địa phương.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, gần đây, xu hướng đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái đang phát triển rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh với nhiều mô hình mới, độc đáo. Phát triển sản phẩm du lịch - nông nghiệp đang là mục tiêu kép để tạo ra sản phẩm du lịch mới, tận dụng được thế mạnh về văn hóa, cảnh quan, con người địa phương, thu hút du khách đến trải nghiệm, đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Sở định hướng các công ty du lịch tăng cường liên kết tạo ra các tour du lịch nông nghiệp, thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến với Đắk Lắk để trải nghiệm mô hình du lịch này.

Theo Sở NN-PTNT, năm 2020 toàn tỉnh có 35 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh, đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch canh nông. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển thành công thì Đắk Lắk cần có những chính sách hỗ trợ, đào tạo nông dân làm du lịch dựa trên lợi thế sản phẩm đặc thù của mình, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" khiến hiệu quả không cao.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.