Multimedia Đọc Báo in

Các cửa hàng thể thao vắng khách mùa dịch

08:22, 09/06/2021

Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến tất cả các hoạt động thể dục thể thao bị “đóng băng”, tạm dừng, kéo theo các cửa hàng kinh doanh, câu lạc bộ trong lĩnh vực này bị tác động trực tiếp, gặp nhiều khó khăn.

Là chủ cửa hàng kinh doanh dụng cụ tập luyện, trang phục thi đấu thể thao và 10 sân cầu lông khá tên tuổi ở TP. Buôn Ma Thuột, chị Đinh Thị Thúy Ngọc (Cửa hàng Thế giới thể thao) than thở, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, doanh thu của cửa hàng giảm hơn 90% so với trước. Trong khi đó hằng tháng chị vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền sân bãi, lương nhân viên, đóng thuế...

“Riêng tiền thuê hai mặt bằng trên đường Lý Thường Kiệt mỗi tháng đã mất hơn 20 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước, tiền lương trả 6 nhân viên, tính tổng cộng là khoảng 50 triệu đồng/tháng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp diễn không biết sẽ gồng gánh được bao lâu nữa?”, chị Ngọc lo lắng.

Chị đã gặp gỡ, thương thảo với chủ nhà để xin hỗ trợ, giảm chi phí thuê mặt bằng trong bối cảnh khó khăn này song chưa nhận được sự thống nhất, đồng tình.

Cửa hàng Thế giới thể thao vắng khách trong mùa dịch.
Cửa hàng Thế giới thể thao vắng khách trong mùa dịch.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì chỉ riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có khoảng 80 cơ sở, cửa hàng, câu lạc bộ kinh doanh lĩnh vực thể dục thể thao, tất cả đều phải thuê mặt bằng.

Là chủ của 2 sân bóng đá mini, 1 sân bóng rổ cho thuê, anh Lê Trọng Phong (Sân bóng đá Ban Mê Sports) cho biết, tuân thủ quy định của UBND thành phố về tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao, phòng chống dịch COVID-19, gần một tháng qua các sân bóng phải đóng cửa, tất cả những giải đấu giao hữu mà các đội bóng, câu lạc bộ đăng ký vào dịp hè này cũng tạm hoãn. Nguồn thu chính để trả chi phí thuê sân bãi vì vậy cũng bị “đứt” ngang. Để cầm cự, trang trải tiền thuê mặt bằng, thời gian này anh thường xuyên lên trang mạng xã hội Zalo kêu gọi bạn bè, ủng hộ mua các trang thiết bị, dụng cụ tập thể dục thể thao.

Chị Khổng Thị Xuân, Chủ tịch Hội Yoga tỉnh có 15 trung tâm hướng dẫn, tập luyện yoga "Vì sức khỏe cộng đồng" trên địa bàn tỉnh, chi phí tiền thuê mặt bằng hằng tháng lên đến 300 triệu đồng. Các trung tâm đóng cửa cả tháng nay nhưng tiền mặt bằng vẫn phải trả nên chị đang đau đầu với "bài toán" là nên trả lại mặt bằng hay cố cầm cự và chịu thiệt hại nặng khi diễn biến của dịch bệnh chưa có hồi kết.

Chung tình cảnh trên, anh Nguyễn Thanh Thiện (Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê) cũng đang thuê một cơ sở dạy bóng chuyền với chi phí khoảng 7 triệu đồng/tháng. Đại dịch lần thứ 4 bùng phát, học viên nghỉ tập, cơ sở phải “cửa đóng then cài”, không có thu nhập từ việc huấn luyện, dạy học viên, song mỗi tháng anh vẫn phải trả đủ tiền thuê cơ sở. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng thuê mặt bằng, kinh doanh thêm về trang phục, thiết bị, dụng cụ thể thao đều lâm vào cảnh ế ẩm, thất thu trầm trọng.

Trung tâm Yoga của chị Khổng Thị Xuân phải đóng cửa do dịch bệnh
Trung tâm Yoga của chị Khổng Thị Xuân phải đóng cửa do dịch bệnh.

Có thể thấy rõ những ảnh hưởng, tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19 tới nhiều lĩnh vực đời sống. “Thiên tai dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng đều chịu hậu quả. Hơn lúc nào hết mọi người cần phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, sẻ chia bằng hành động thiết thực, cụ thể. Mong sao các chủ cho thuê san sẻ gánh nặng, giảm chi phí thuê để cùng đồng hành, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”, một chủ cơ sở kinh doanh lĩnh vực thể thao bày tỏ.

Đăng Triều


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.