Để phát triển mạnh các cụm công nghiệp
Theo quy hoạch, định hướng đến năm 2025, Đắk Lắk có 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 551,39 ha. Tuy nhiên, thực tế đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, còn lại đều trong tình trạng bố trí dàn trải, chưa có vốn triển khai hoặc chưa tìm được nhà đầu tư hạ tầng.
Trong khi đó, Đắk Lắk đang đứng trước thách thức phải cân bằng xu hướng phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hình thành hệ thống logistics đẩy mạnh kinh tế, với xu hướng mở rộng các khu vực đô thị, vành đai thành phố, thị trấn đáp ứng nhu cầu xã hội. Các cụm công nghiệp theo đó phải là hạt nhân quy hoạch điều tiết giữa hai nhu cầu này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Không quy hoạch, không phát triển kinh tế đúng tầm
Theo ông Ngô Văn Tượng, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), là tỉnh có ưu thế về nông sản chất lượng cao, cơ hội xuất khẩu lớn, Đắk Lắk phải định vị rõ các cụm công nghiệp địa bàn mới có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ thu hoạch, bảo quản, chế biến…, quy tụ sản lượng lớn và chất lượng cho nông thổ sản địa phương. Thực trạng các cụm công nghiệp “vẽ ra để đó” luôn được các huyện thị đề cập khi bàn về các giải pháp tăng tốc kinh tế cơ sở.
Bởi vậy, từ năm 2017, chính quyền tỉnh đã yêu cầu ngành công thương rà soát, đề xuất các hướng đầu tư, hiện thực hóa các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất quy hoạch 692,15 ha, trong đó đất dành cho sản xuất công nghiệp là 465,762 ha. Tỉnh cũng đã ban hành quyết định thành lập 12 cụm công nghiệp thuộc các huyện, thị xã, thành phố với tinh thần phải tổ chức và đầu tư quy hoạch hiệu quả, tránh phá vỡ quy hoạch phát triển chung và va chạm với hướng đô thị hóa đang gia tăng.
Điểm đáng lưu tâm, là dù các cụm công nghiệp được quy hoạch nhưng hiện chỉ có 3 cụm Tân An 1, Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột) và Ea Đar (huyện Ea Kar) đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ba cụm Krông Búk 1, M’Drắk (huyện M’Drắk) và Ea Lê (huyện Ea Súp) mới triển khai vài hạng mục hạ tầng và thiết kế bản vẽ. Cả tỉnh có 8 cụm công nghiệp hoạt động thì tất cả đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Tất cả đang là thách thức lớn cho ngành công thương trong yêu cầu thực hiện quy hoạch đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư kinh tế công nghiệp và cân đối phát triển với xã hội hóa. Nếu không thực hiện bài toán quy hoạch hiệu quả, sẽ không phát triển kinh tế đúng tầm. Nhưng nếu quy hoạch chồng lấn, quy hoạch xong bị phá vỡ do tác động của các ngành kinh tế khác, đặc biệt về đầu tư phát triển các đô thị mới, sự định vị các cụm công nghiệp trên địa bàn cũng sẽ rất mong manh. Đơn cử một số khu đô thị, dân cư mới đang triển khai ở phía bắc TP. Buôn Ma Thuột, người dân địa phương đã dè dặt khi thấy ở cạnh các cụm công nghiệp có sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế thép… Nguy cơ bị ảnh hưởng môi trường quanh các cụm công nghiệp vì thế không đơn giản.
Sản xuất chocolate cao cấp tại một nhà máy ca cao tư nhân ở huyện Krông Ana. |
Hướng đến những cụm công nghiệp “số hóa”!
“Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy từ đầu tư các cụm công nghiệp manh mún, hạ tầng bất cập sang tư duy định hình những cụm công nghiệp “số hóa”, ứng dụng công nghệ cao, để vừa bảo đảm quy hoạch phát triển bền vững, vừa tăng chất lượng hàng hóa làm ra”, ông Tượng bày tỏ.
Theo cách nghĩ này, ngành công thương Đắk Lắk cần được vận động, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án công nghiệp ứng dụng tự động hóa, công nghệ cao vào địa bàn. Những cơ sở sản xuất này, chủ yếu là chế biến nông sản, bảo quản hàng hóa cho nông dân mạnh dạn đầu tư nông nghiệp đại trà, sản lượng lớn, khi hoạt động tại các cụm công nghiệp sẽ dễ dàng tạo quan hệ hợp tác tương liên mạnh mẽ. Đơn cử từ cây ca cao, người nông dân chỉ cần vận chuyển nông sản nhanh ra cụm công nghiệp địa bàn, bán cho cơ sở chế biến là có ngay bột ca cao, chocolate… cùng nhiều sản phẩm tinh chế khác.
Muốn thế, địa phương phải tích cực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã quy hoạch, không chỉ là san ủi mặt bằng mà phải có hạ tầng kỹ thuật chất lượng, từ thoát nước, cấp điện ổn định, hạ tầng viễn thông cao cấp, cho đến giám sát, quản trị xử lý ô nhiễm khói, tiếng ồn… và đào tạo nhân lực.
Đắk Lắk cần vận dụng xã hội hóa, kêu gọi các mô hình doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp địa phương thay cho các ban quản lý cấp huyện thường bị giới hạn về tư duy hành chính hóa lâu nay. Việc quy hoạch sử dụng đất phục vụ các cụm công nghiệp cũng phải rạch ròi chi tiết hơn nữa, chấm dứt tình trạng bố trí xen kẽ các khu cụm công nghiệp vào chiến lược phát triển các khu đô thị, khu dân cư, và ngược lại.
“Một tư duy rất mâu thuẫn của chúng ta là cứ nghĩ tới những cụm công nghiệp là thỏa hiệp có ô nhiễm, tác động môi trường xung quanh, rồi cứ là cơ sở nhỏ lẻ thì tự động hóa kém, sản xuất luôn thô sơ, công nghệ lạc hậu; nên cứ quy hoạch cụm công nghiệp ở đâu là gây e ngại cho người dân, các nhà đầu tư hạ tầng xã hội tới đó. Tại sao không tạo điều kiện để chúng ta chọn các nhà đầu tư có năng lực số hóa, tự động hóa, công nghệ cao về đây, để các cụm công nghiệp Đắk Lắk ngày càng xanh, sạch, tinh gọn hơn. Các nhà máy đó không cần diện tích lớn, nhân lực ít mà năng lực chế biến sản xuất lại rất mạnh, chúng ta đang bỏ qua họ”, ông Tượng trăn trở.
Nguyên Đức