Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa: Gỡ "vướng" công tác giải phóng mặt bằng
UBND huyện Cư Kuin đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nhằm gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, đoạn qua địa bàn huyện.
Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 30-10-2018, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Dự án có 2 công trình hồ chứa, với dung tích hơn 3,1 triệu m3, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk), sẽ cấp nước tưới cho 750 ha cây trồng các loại. Được khởi công xây dựng từ tháng 10-2020, tuy nhiên đến nay dự án này đang gặp một số vướng mắc liên quan đến công tác GPMB tại công trình hồ Yên Ngựa, khu vực xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), với 80 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi đất 62 ha.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin, qua đo đạc, kiểm kê để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, phát hiện có 6 thông báo thu hồi đất có họ tên chủ sử dụng đất bị sai sót so với thực tế, có 17 trích lục chưa thể hiện đúng hiện trạng như: thực địa có ao nhưng trong trích lục lại không thể hiện; sai mục đích sử dụng đất so với hiện trạng; thiếu một phần diện tích đất…
Một vị trí của Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa tại thôn 1B, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin đã được người dân bàn giao mặt bằng. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Lê Phú Hanh cho biết, việc chậm trễ bồi thường GPMB cho người dân có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, nguồn gốc đất của nhiều hộ dân bị chồng lấn, sai vị trí, dẫn tới việc chưa xác định đúng đối tượng để bồi thường là nguyên nhân chính (yếu tố này do lịch sử để lại). Việc chậm trễ này, trước hết trách nhiệm thuộc về Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Trong các cuộc họp, địa phương đã nhắc nhở, chỉ đạo tìm hướng khắc phục, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Được biết, theo Hợp đồng số 079/2020/HĐ-GPMB-YN, ngày 7-9-2020 giữa Ban tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin thì đến cuối tháng 3-2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin phải hoàn thành công tác GPMB, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa có tổng mức đầu tư 305 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ (thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh) và vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 - 2022.
|
Còn về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban tỉnh cho hay, đến đầu tháng 3-2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin đã hoàn thành công tác kiểm đếm cho 52 hộ dân vùng dự án. Căn cứ vào tình hình thực tiễn triển khai các dự án đã và đang thực hiện của Ban tỉnh, sau khi có thông báo thu hồi đất và đã hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản gắn liền trên đất theo quy định là đủ điều kiện để chủ đầu tư phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ GPMB và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công.
Trên cơ sở đó, ngày 19-3-2021, Ban tỉnh đã gửi giấy mời, đăng ký làm việc với UBND xã Cư Êwi, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin và các hộ dân đến để tuyên truyền về mục tiêu, quy mô, hiệu quả đầu tư, thời gian thực hiện, tính chất cấp bách, các hạng mục phải thi công của Dự án. Đồng thời, vận động các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi tại những hạng mục cụm công trình đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước… tự nguyện bàn giao sớm mặt bằng. Và chủ đầu tư cam kết sẽ chuyển tiền để chi trả cho các hộ dân sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và được UBND huyện phê duyệt, ban hành quyết định thu hồi đất trong thời gian không quá 7 ngày làm việc. Theo đó, tại cuộc họp ngày 24-3, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin khẳng định chậm nhất khoảng ngày 20-5 thì hoàn thành nên Ban tỉnh hứa chậm nhất ngày 30-5-2021 sẽ chuyển tiền để chi trả là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn chưa giải ngân tiền đền bù GPMB đúng hẹn cho người dân bởi các nguyên nhân như đã nêu trên.
Trước đó, vào khoảng tháng 4-2021, mặc dù chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhưng một số hộ dân vùng Dự án đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công, với hy vọng được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vào cuối tháng 5-2021 như chủ đầu tư đã hứa, song đến nay vẫn chưa được nhận khiến các hộ tỏ ra lo lắng, băn khoăn. Chị Hoàng Thị Na (thôn 1B, xã Cư Êwi) bày tỏ, để triển khai Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, hơn 1 ha đất trồng cây lâu năm của gia đình chị phải thu hồi. Vừa rồi gia đình chị đã được thông báo về phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, chị thống nhất cao với phương án đó. Song chị cũng mong muốn chủ đầu tư và đơn vị liên quan sớm triển khai việc chi trả để gia đình nhận tiền, đi mua đất ở vị trí khác ổn định cuộc sống.
Công nhân thi công hạng mục đập tràn Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, khu vực qua xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). |
Tương tự, để triển khai Dự án, gia đình anh Nguyễn Quốc Dũng (thôn 1B, xã Cư Êwi) bị thu hồi 1,2 ha đất trồng cây lâu năm. Tháng 4-2021, gia đình anh đã tự nguyện bàn giao mặt bằng và được chủ đầu tư hứa trả tiền sau 70 ngày, song qua tìm hiểu anh biết được hiện nay nhiều “sổ đỏ” có dấu hiệu cấp chồng, sai vị trí. Do vậy, anh mong muốn các bên liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc, tiến hành chi trả để gia đình tìm mua một miếng đất khác đầu tư sản xuất.
Liên quan đến những vướng mắc, vào chiều 17-6 vừa qua, Ban tỉnh và UBND huyện Cư Kuin đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm hướng khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác GPMB dự án nêu trên.
Cụ thể, hai bên thống nhất: Đối với các trường hợp trích lục phục vụ công tác bồi thường chưa đúng hiện trạng, Ban tỉnh sẽ kiểm tra, cắt lại trích lục để điều chỉnh thông báo thu hồi đất; đối với các thông báo thu hồi đất chưa đúng tên chủ sử dụng đất, đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện lập danh sách gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh lại thông báo thu hồi đất theo đúng thực tế. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Cư Kuin chỉ đạo UBND xã Cư Êwi xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất ổn định của các thửa đất thuộc diện thu hồi và so sánh, đối chiếu với “sổ đỏ” đất đã cấp để xác định cụ thể diện tích cấp chồng lấn (nếu có). Trên cơ sở xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất của UBND xã, trường hợp diện tích các gia đình, cá nhân bị thu hồi không tranh chấp, không lấn chiếm thì tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ với loại đất và diện tích theo hiện trạng. Đối với các thửa đất đã hết thời hạn sử dụng đất, trường hợp UBND xã xác định người dân vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì lập phương án bồi thường, hỗ trợ như trường hợp đất đang còn thời hạn sử dụng.
Như vậy, phương án giải quyết vướng mắc là đã rõ. Thiết nghĩ, để Dự án hoàn thành đúng thời hạn, sớm phát huy tác dụng và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, các bên liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Xuân Trường