Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp với nghề nông

08:12, 08/06/2021

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Dược và ngành Y sĩ đa khoa của Trường Cao đẳng Phương Đông - Đà Nẵng, Y Soa Mlô (SN 1990, ở thôn Cư Blang, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) trở về mở quầy bán thuốc tây tại nhà, kết hợp làm trình dược viên giới thiệu thuốc cho các cửa hàng, phòng khám trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, sau khi lập gia đình và có con nhỏ, anh cảm thấy công việc này không còn phù hợp, nên quyết định nghỉ để tập trung làm 2 ha rẫy, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Thời gian này, Y Soa nhận thấy phần lớn thanh niên trong vùng thường đi làm ăn xa, số ít ở nhà thì hay la cà nhậu nhẹt, thậm chí là gây gổ đánh nhau, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, trong khi đó, việc nương rẫy của bà con lại thiếu người làm, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, tưới cà phê… thường phải đi tìm nhân công khắp nơi.

Do đó, cuối năm 2020, Y Soa đã mạnh dạn kêu gọi bạn bè trong thôn Cư Blang thành lập đội nhân công chuyên phục vụ nhu cầu lao động nông nghiệp của người dân trong xã. Ban đầu đội chỉ có 5 người, nhưng nhờ hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định nên dần dần có nhiều thanh niên trong xã đăng ký tham gia.

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh thành lập nhóm nhân công lao động với tên gọi “Dịch vụ nông nghiệp Chân Đất”, hiện nhóm có 20 thành viên đều là thanh niên trong thôn Cư Blang, có việc làm thường xuyên nên thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng/người.

Y Soa Mlô (bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Y Soa Mlô (bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng.

Y Soa cho biết, để hoạt động của nhóm đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, các thành viên chịu khó tham gia những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức, mua sách báo về cùng tham khảo thêm những kỹ thuật chăm sóc cây trồng, cải tạo đất…

Hiện nay, nhóm nhận làm thuê tất cả các việc, từ đào hồ, khoan giếng đến bơm tưới nước, chăm sóc cây trồng, cải tạo vườn tạp… Mùa cà phê và tiêu vừa qua, Y Soa còn huy động hàng trăm công lao động giúp người dân trong huyện thu hoạch kịp thời vụ. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn, Y Soa còn liên kết với một số doanh nghiệp, đại lý phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng… có uy tín để cung ứng sản phẩm cho người dân theo hình thức trả chậm.

Chị Trần Thị Thoa ở thôn 8A, xã Pơng Drang cho hay, nhờ có nhóm Dịch vụ nông nghiệp Chân Đất, gia đình chị và nhiều hộ dân khác trong xã không còn lo thiếu hụt nhân công lao động. Chỉ cần gọi điện thoại, nhóm sẽ đến tận nơi khảo sát, tư vấn và chăm sóc cây trồng chu đáo; nhân công lại là những người ở địa phương nên rất yên tâm khi giao rẫy cho họ.

Thành viên nhóm Dịch vụ nông nghiệp Chân Đất tham gia hái tiêu cho người dân.
Thành viên nhóm Dịch vụ nông nghiệp Chân Đất tham gia hái tiêu cho người dân.

Theo bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang, nhóm dịch vụ nông nghiệp của Y Soa không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động phổ thông ở địa phương, giải quyết khâu thiếu hụt nhân công làm nông nghiệp, mà còn góp phần giúp nhiều thanh niên trong xã tu chí làm ăn, bớt tụ tập gây rối, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội như trước đây. Thông qua đó, chính quyền địa phương cũng có thêm kênh hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân..

Lê Thành

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.