Multimedia Đọc Báo in

Mít Thái rớt giá thê thảm, nông dân lỗ nặng

08:14, 07/06/2021

Sau thời gian ở mức giá cao, vụ thu hoạch năm nay, giá mít Thái đang xuống rất thấp. Cùng với đó, thương lái cũng hạn chế thu mua khiến nhiều chủ vườn thua lỗ nặng.

Giá giảm sâu

Thời điểm này, nông dân trồng mít Thái trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi giá mít giảm sâu chưa từng có và liên tục rớt giá mỗi ngày. Thời điểm đầu vụ (cận Tết Nguyên đán), mít Thái trên địa bàn tỉnh có giá bán 15.000 đồng/kg, rồi "lao dốc không phanh" xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Theo nhiều người trồng mít, giá mít xuống thấp như hiện tại là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua.

Anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) có gần 2 ha trồng thuần 1.500 cây mít Thái Changai. Ước tính năm nay vườn của anh thu hoạch hơn 20 tấn quả. Giá bán ra trên thị trường đang rẻ đến mức không ngờ nên anh Nhàn đành ngậm ngùi chặt bỏ những quả mít đến kỳ thu hoạch để cây dành sức nuôi quả cho vụ thu trái mùa vào tháng 8 tới.

“Mọi năm, mít thu hoạch đến đâu, tôi đều vận chuyển về tỉnh Tiền Giang xuất bán đi Trung Quốc đến đó. Vụ năm nay, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu bị đình đốn, tắc đầu ra, mít bị tồn đọng, giá thấp kỷ lục. Riêng chi phí vận chuyển từ đây đến Tiền Giang đã không bù được chi phí bỏ ra nên tôi đành chặt bỏ để dành nuôi lứa quả khác”, anh Nhàn than thở.

Theo nhẩm tính, với mức giá như hiện tại, vụ thu hoạch này, anh Nhàn lỗ hơn 200 triệu đồng.

Giá mít rớt thê thảm, anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) chặt bỏ quả để cây dưỡng sức, nuôi quả cho vụ tiếp theo.
Giá mít rớt thê thảm, anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) chặt bỏ quả để cây dưỡng sức, nuôi quả cho vụ tiếp theo.
Cây mít Thái trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Dù là loại cây trồng xen, nhưng có thời kỳ cây mít cho giá trị không thua kém gì cây trồng chính nên diện tích đã tăng lên nhanh chóng. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 ha mít, tăng 362 ha so với năm 2019.

So sánh mức giá hiện nay với thời điểm thị trường tiêu thụ tốt, ông Trần Văn Giang (thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) cho hay, khoảng mấy năm trước, giá mít Thái có thời điểm đạt gần 30.000 đồng/kg, thương lái về tận vườn thu mua, nhiều người khấm khá lên nhờ trồng mít.

Sau đó, giá cứ hạ dần, nay giá bán ra tại vườn chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mít không có lãi. Đã vậy, đầu ra cũng không còn thuận lợi. Thương lái không thu mua mạnh như trước và cũng chỉ chọn loại quả lớn trên 10 kg/quả để mua, loại nhỏ hơn tầm 7 - 8 kg thì  không ai mua.

Với 300 cây mít trong vườn, thay vì tất bật thu hoạch như những vụ trước, thời điểm này ông lại tất tả đi tìm người mua. Thương lái hạn chế thu gom hàng, giá rẻ như cho, ông đành bỏ mặc quả chín khô trên cây, rơi rụng đầy gốc. Xót của, cứ vài ngày ông Giang lại hái về cho dê ăn. 

Cùng cảnh ngộ, anh Phan Văn Sáu (thôn 6, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cũng lao đao khi giá mít rớt thê thảm. Gia đình anh có gần 100 cây mít Thái, trồng xen trong vườn cà phê. Cách đây gần một tháng, anh mới chỉ kịp bán được 1 tạ mít với giá 5.000 đồng/kg. Thời điểm này, thương lái kén chọn, không mua, giá rẻ, anh đành chặt bỏ trái làm thức ăn cho gia súc. Theo anh, cây mít dễ trồng nhưng độ rủi ro khá cao vì đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên không bền vững.

Hệ lụy từ việc tăng diện tích "nóng"

Mấy năm trở lại đây, cây mít Thái trở thành cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho người dân tại các địa phương trong tỉnh. Với lợi thế giá cao, dễ chăm sóc, tận dụng được diện tích đất cằn, nhanh cho thu hoạch (khoảng hơn 18 tháng là cho thu hoạch), năng suất tốt… khiến diện tích trồng loại cây này tăng nhanh chóng.

Riêng huyện Cư M'gar, cây mít siêu sớm Changai của Thái Lan “bén duyên” khoảng 3 - 4 năm trở lại đây và diện tích không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có hơn 400 ha mít, được trồng nhiều tại các xã Ea Tar, Cư M’gar, Quảng Tiến...

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar cho biết, tình trạng giá mít "tuột dốc không phanh" đang ảnh hưởng rất lớn đến nông dân. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá mít rớt thảm hại, thương lái cũng hạn chế thu mua. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, đầu ra cho loại quả này vẫn rất khó lường.

Mít vào vụ thu hoạch nhưng thương lái hạn chế thu mua khiến ông Trần Văn Giang (thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) gặp khó
Mít vào vụ thu hoạch nhưng thương lái hạn chế thu mua khiến ông Trần Văn Giang (thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) gặp khó.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT là do thấy lợi nhuận lớn từ cây mít Thái, nhiều nông dân ở địa phương đã ồ ạt chuyển đổi sang trồng loại cây này. Thời điểm này cũng đang vào chính vụ thu hoạch mít ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, dẫn đến tình trạng "dội" sản lượng, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu bị đình trệ khiến giá mít trên thị trường giảm sâu.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích hoặc thấy giá mít rớt thê thảm mà bỏ bê không chăm sóc vườn cây. Về lâu dài, mít vẫn là cây có lợi thế, vì đây là một trong 9 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Do đó, ngành nông nghiệp định hướng bà con nên áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt để giãn vụ, chuyển sang trồng mít theo tiêu chuẩn, trong đó chú ý tìm hiểu kỹ ở khâu chọn giống, nhu cầu thị trường…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả mít, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Còn theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar thì giống mít Thái Changai đang được trồng nhiều ở địa phương cho năng suất cao, nhanh thu hoạch, nhưng bất lợi ở chỗ quả rất dễ bị bệnh xơ đen, ảnh hưởng đến chất lượng. Thay vào đó, địa phương đang hướng đến đưa vào trồng giống mít Thái lá bàng để phục vụ vùng nguyên liệu làm mít sấy cho các nhà máy chế biến. Với loại giống này, mặc dù giá thấp hơn (tầm 8.000 - 11.000 đồng/kg), nhưng thị trường đang cần và giữ giá ổn định.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.