Multimedia Đọc Báo in

Từ đam mê đến làm giàu từ hoa lan

14:54, 19/06/2021

Từ vài giò lan được tặng để trang trí trong nhà, anh Nguyễn Thanh Chuyên ở buôn Ea Siếk (xã Cư Né, huyện Krông Búk) bắt đầu đam mê và năm 2018 quyết tâm khởi nghiệp với nghề trồng lan.

Anh Chuyên trò chuyện, qua những lần “băng rừng lội suối” sưu tầm các loại lan đặc sắc, quý hiếm, anh nhận thấy nhu cầu chơi hoa lan của người dân hiện nay rất lớn, nếu kinh doanh lan có thể phát triển kinh tế gia đình.

Ban đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, anh Chuyên chỉ đầu tư 20 triệu đồng mua giống cây và xây dựng vườn lan rộng 72 m2. Cũng như phần lớn những người mới chơi lan, anh Chuyên gặp nhiều khó khăn: cây lan bị sâu bệnh, nấm gây hại nên thường xuyên bị thối lá, không ra hoa. Không nản lòng, anh Chuyên vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, nhất là tìm hiểu, nắm vững sự phân bố khí hậu, vùng miền của từng loại lan nên đã từng bước làm chủ được kỹ thuật, biết cách điều chỉnh cây ra hoa đúng thời điểm.

Anh Nguyễn Thanh Chuyên (bìa trái) giới thiệu cách chăm sóc lan.
Anh Nguyễn Thanh Chuyên (bìa trái) giới thiệu cách chăm sóc lan.
“Hơn 3 năm bén duyên với nghề trồng lan, tôi không chỉ được thỏa niềm đam mê khi ngày ngày được chăm sóc, ngắm nghía những chậu lan xanh mướt, tỏa hương thơm ngát mà còn có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”.
Anh Nguyễn Thanh Chuyên

Anh Chuyên cho biết, hoa lan được ví  là “vua” của những loài hoa bởi màu sắc rực rỡ, hương thơm ngát và giữ được lâu. Không giống những loại cây khác, hoa lan khá nhạy cảm và khó tính nên khi trồng giống lan rừng tại vườn, anh Chuyên thường lựa những cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Qua một thời gian trồng, anh Chuyên nhận thấy dòng lan giả hạc rất dễ thuần hóa, thích hợp sinh trưởng, phát triển.

Thông qua mạng xã hội, anh Chuyên kết bạn với nhiều khách hàng đam mê lan ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh: Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, Phú Yên… Trang Facebook, Zalo của anh Chuyên trở thành diễn đàn trao đổi về giống, cách chăm sóc, mua bán lan. Nhờ sự chăm sóc tỉ mẫn, vườn lan của gia đình anh Chuyên phát triển tươi tốt, ra hoa đẹp. Sau hơn 3 năm trồng, chăm sóc, anh Chuyên đã sở hữu vườn lan rộng 200 m2. Mỗi loại lan có giá trị khác nhau từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng thậm chí hàng trăm triệu đồng. Trung bình mỗi năm, anh xuất ra thị trường 10.000 giò lan, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Vừa trồng, vừa nhân giống, hiện nay anh Chuyên đang có trên 40 giống lan đa dạng về chủng loại và màu sắc, trong đó nhiều giống lan quý, hiếm được bán theo mầm hoặc cm có giá trị kinh tế cao. Vào mùa hoa lan nở có rất nhiều khách tới vườn lan tham quan, đặc biệt người nào muốn tư vấn, học hỏi kinh nghiệm trồng lan, anh Chuyên đều chia sẻ nhiệt tình. Trong quá trình trồng nếu cây bị bệnh gì, chỉ cần khách hàng gọi điện thoại, anh sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn.

Vườn lan của anh Nguyễn Thanh Chuyên có nhiều người đến thưởng lãm.
Vườn lan của anh Nguyễn Thanh Chuyên có nhiều người đến thưởng lãm.

Theo anh Chuyên, ngày nay không chỉ người giàu mới có thể chơi lan mà ai cũng có thể thực hiện đam mê trồng lan, tùy điều kiện kinh tế mỗi người có thể chọn mua vài giống lan phù hợp. “Với người mới chơi lan chỉ nên mua cây có giá trị thấp, khi nào nắm vững kỹ thuật chăm sóc hoa mới mua loại lan quý và số lượng nhiều. Đặc biệt mọi người nên tìm đến các vườn lan uy tín để mua hoa, như vậy thú chơi lan mới bền vững”, anh Chuyên chia sẻ.

Như Quỳnh

 

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.