Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm hay ở xã Tân Lập

08:07, 03/06/2021

Với nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk) đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Tân Lập mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền xã đã bắt tay ngay vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ có quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm, sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân, xem đây là khâu then chốt của then chốt trong tiến trình xây dựng NTM.

Theo đó, Thường trực Đảng ủy đã phân công các đảng ủy viên về dự sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở; mạnh dạn điều động, luân chuyển đảng viên có năng lực từ chi bộ này sang sinh hoạt và giữ các chức vụ lãnh đạo chi bộ khác. Sau khi được điều động, phân công, các cán bộ, đảng viên đã phát huy đúng năng lực, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động.

Tuyến đường thôn Tân Thịnh (xã Tân Lập) được bê tông hóa nhờ sức dân
Tuyến đường thôn Tân Thịnh (xã Tân Lập) được bê tông hóa nhờ sức dân.
“Kinh nghiệm xây dựng NTM của xã Tân Lập là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cũng như cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị”.
ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch UBND xã Tân Lập

Cùng với việc rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, Đảng bộ, chính quyền xã cũng tích cực phát động và hỗ trợ chi bộ, ban tự quản và chi hội, đoàn thể cơ sở xây dựng các mô hình kinh tế điểm; khuyến khích người dân đưa giống cây có năng suất, sản lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: cà phê, sầu riêng, bơ, mít... vào trồng xen canh trên cùng một diện tích đất; chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt chuồng có đầu tư, lựa chọn con giống...

Không những phát huy tốt nội lực, xã Tân Lập còn khéo léo vận dụng sáng tạo, hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng NTM; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững… UBND xã đã lồng ghép hỗ trợ giống mới, khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương cũng chủ động làm việc với Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk, thành lập các tổ vay vốn tín chấp, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, để người dân thuận lợi tiếp cận vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Lam chia sẻ thêm: Khi đời sống nhân dân được nâng cao thì việc huy động đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở cũng không khó. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì trước khi triển khai mỗi phần việc, xã đều công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. UBND xã cũng giao cho từng thôn, xóm tự dự toán kinh phí, đóng góp tiền, công lao động và giám sát thi công. Mỗi khi công trình hoàn thành, xã đều thông báo kết quả để các thôn, xóm khác học hỏi kinh nghiệm làm theo, tạo nên không khí thi đua sôi nổi. Cùng với đó, các cấp hội, đoàn thể cũng phát động phong trào thi đua xây dựng NTM như: mô hình “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tuyến đường tự quản”, “Thanh niên chung tay xây dựng NTM”, “Xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông”, “Thắp sáng đường quê”…

Gia đình chị Phan Thị Quý ở thôn Tân Hòa (xã Tân Lập) chăn nuôi bò theo hướng nhốt tập trung.
Gia đình chị Phan Thị Quý ở thôn Tân Hòa (xã Tân Lập) chăn nuôi bò theo hướng nhốt tập trung.

Với cách làm đó, từ năm 2011 đến nay, xã Tân Lập đã huy động các nguồn lực được hơn 34 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng để rải nhựa, đổ bê tông hơn 29,4 km đường trong khu dân cư và cứng hóa 17,43 km đường nội đồng; xây dựng sân bê tông và nhà văn hóa tại 100% thôn, buôn; lắp đặt bóng điện thắp sáng trên 50% các tuyến đường trong khu dân cư… Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ gần 7% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2020; thu nhập bình quân đạt trên 41 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu đồng so với năm 2011...

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk đánh giá: Từ một xã có điểm xuất phát thấp, đến nay Tân Lập đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận là xã đạt chuẩn NTM vào tháng 4-2021. Trong quá trình xây dựng NTM, xã Tân Lập đã chủ động, linh hoạt triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách và huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.