Chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã quyết định tập trung đầu tư cho chuyển đổi số nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh doanh vừa phòng, chống dịch.
Thích ứng với hoàn cảnh
Để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều DN đã thay đổi tư duy, đầu tư nhiều hơn cho chuyển đổi số. Điển hình như thương hiệu Miss Ede với bộ sưu tập sô-cô-la sắc màu Tây Nguyên, ca cao và cà phê hòa tan được chế biến từ nguyên liệu trồng tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Miss Ede chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tại Nha Trang, Đà Lạt, TP. Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng ở thời điểm đó đạt trên 120%/tháng, nhưng từ khi đại dịch xảy ra, việc bán lẻ cho du khách nước ngoài gần như "đóng băng" hoàn toàn.
Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede) chia sẻ, để thích ứng với hoàn cảnh, đội ngũ Miss Ede đã nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh. Bên cạnh việc gia tăng sự hiện diện cho thương hiệu tại các điểm bán lẻ nội địa cao cấp, thương mại điện tử và bán lẻ du lịch nội địa, Miss Ede đã đầu tư kinh phí để mua sắm thiết bị công nghệ, đẩy mạnh tiếp cận khách hàng qua mạng (bán hàng online). Nhờ đó mà một DN non trẻ như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE mới có thể gồng gánh vượt qua tác động to lớn của đại dịch.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE đầu tư thiết bị cho bán hàng online. |
Hay như Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 với tư cách là bệnh viện chuyên khoa mắt lớn và hiện đại nhất khu vực Tây Nguyên, giúp chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao tất cả các bệnh về mắt. Bệnh viện đã đạt hiệu quả cao trong điều trị, mang lại ánh sáng và niềm vui cho nhân dân, được khách hàng đánh giá là bệnh viện đem lại sự hài lòng tốt nhất cho người bệnh theo kết quả khảo sát của ngành y tế tỉnh.
Bác sĩ CKII Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Tây Nguyên cho biết, bên cạnh việc triển khai các kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất, bệnh viện còn chú trọng công tác chuyển đổi số trong quá trình khám chữa bệnh. Đầu tiên là áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCNV ISO 9001:2015 nhằm chuẩn hóa quy trình hoạt động, loại bỏ các thủ tục không cần thiết; đồng thời việc quản lý DN cũng như quy trình khám chữa bệnh đều được thực hiện bởi các phần mềm.
Hiện nay, đơn vị đang thực hiện số hóa bệnh án và từng bước hướng đến bệnh án điện tử trong tương lai. Ngoài ra, đơn vị còn tạo điều kiện cho người dân hạn chế đi lại trong điều kiện dịch bệnh phức tạp bằng cách đăng ký khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân qua mạng Internet.
Thực tế cho thấy, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19 còn được xem là cơ hội cho bán hàng online, dịch vụ giao hàng tận nơi… bởi nhu cầu mua sắm qua mạng và giao đồ ăn, hàng hóa tận nhà đã gia tăng nhanh chóng. Cùng với đó là việc tự phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, thanh toán bằng các phần mềm điện tử… đang là nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, đòi hỏi DN cần phải chuyển đổi số để kịp đáp ứng.
Tỷ lệ chuyển đổi số còn thấp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nghìn DN đang hoạt động, trong đó hầu hết là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ lệ thấp.
Một doanh nghiệp giới thiệu những giải pháp công nghệ số tại Hội thảo Chuyển đổi số tổ chức vào tháng 3-2021 tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thúy Hồng |
“Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại là xu hướng tất yếu, cũng là chủ trương mà tỉnh đã đặt ra để phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Không chỉ đối với các doanh nghiệp mà cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương đều phải tăng cường thực hiện để sẵn sàng đón đầu lộ trình chuyển đổi số quốc gia”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh khẳng định, đầu tư công nghệ, tiếp cận với chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết hiện nay của DN, nhất là DN trẻ, DN khởi nghiệp. Đây cũng là chủ trương, định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ DN thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đơn cử như ở Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, tuy có đến 100 hội viên là các DN trên địa bàn, nhưng tỷ lệ tiếp cận, làm quen với chuyển đổi số mới ở mức 25%, còn số DN đã thực sự triển khai áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì có tỷ lệ rất thấp.
Nguyên nhân chính là do hầu hết các DN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, tin học còn hạn chế, nhiều DN cũng chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, số DN thực hiện hỗ trợ công tác chuyển đối số trên địa bàn rất ít.
Để thực hiện lộ trình chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 2-4-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; phát triển 20 DN số có quy mô từ 500 - 1.000 người...
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài chiến lược dài hạn, tỉnh cần có cơ chế đặc biệt cũng như chính sách thiết thực để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực này, trong đó quan trọng nhất là cần thu hút được các DN làm công tác hỗ trợ chuyển đổi số cho các đơn vị trên địa bàn.
Khả Lê