Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Bảo đảm cung ứng hàng hóa trong mùa dịch

06:04, 22/07/2021

Khác hẳn với nhịp độ mua sắm tấp nập trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, lượng người mua hàng tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã "hạ nhiệt" đáng kể.

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh công bố các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, do tâm lý lo lắng trước các đợt giãn cách xã hội, lượng người dân đi mua sắm tại các siêu thị, chợ và cửa hàng bách hóa trên địa bàn thành phố tăng đột biến, cao điểm nhất là vào ngày 18-7. Điều này dẫn đến một số mặt hàng thiết yếu tăng giá từ 20 - 30%, thậm chí có một số ít mặt hàng tăng gần 50%. Đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả, trứng tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường tại một số chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, lượng người đến mua sắm đã giảm đáng kể.

Ban Quản lý chợ Buôn Ma Thuột kiểm tra hoạt động mua bán và việc thực hiện khuyến cáo 5K của các tiểu thương.
Ban Quản lý chợ Buôn Ma Thuột kiểm tra hoạt động mua bán và việc thực hiện khuyến cáo 5K của các tiểu thương.

Theo các tiểu thương đang kinh doanh lương thực, thực phẩm tại chợ Buôn Ma Thuột, ngày 18-7, lượng người mua hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, do nguồn hàng hải sản, thịt, cá tươi sống không thiếu nên vẫn giữ mức giá bình ổn, không tăng. Chỉ mặt hàng rau, củ, quả là tăng mạnh do các nhà vườn đã vận chuyển đi các địa phương khác khá nhiều vào thời điểm trước.

 
Người dân nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa lúc này là không cần thiết, vô tình đẩy giá một số mặt hàng lên cao. Ngoài ra, việc tập trung đông người không những vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
 
Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột

Khác với "tâm lý đám đông" của nhiều người, bà Hoàng Thị Kính (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: "Buôn Ma Thuột là nơi rất dồi dào thực phẩm, đặc biệt cá, thịt hay rau củ sẽ không thiếu. Vì vậy khi đi chợ tôi chỉ mua đủ dùng trong một vài ngày, không có ý định tích trữ”. Còn chị Nguyễn Thị Phương Lan (đường Phạm Hồng Thái, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi thấy mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm, chị cũng định mua mì tôm, bánh kẹo, trứng, sữa, rau, củ... Tuy nhiên sau đó thấy hàng hóa tại siêu thị, các cửa hàng bách hóa còn rất nhiều nên không cảm thấy lo lắng nữa.

Tại phường Ea Tam, khu vực có đông dân cư sinh sống, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học đóng chân trên địa bàn nên khu chợ nơi đây lúc nào cũng đông đúc. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây, chợ thưa thớt hẳn. Bà Nguyễn Thị Hường, tiểu thương chợ Ea Tam than thở: “Ngày 18-7, người dân đổ xô nhau đi mua các loại gừng, sả, chanh để chế biến nước uống vì có thông tin cho rằng loại nước này sẽ ngăn ngừa được COVID-19. Thấy bán được nên tôi nhập thêm rất nhiều với giá khá cao, nhưng hai hôm nay chẳng có mấy ai hỏi mua nữa. Các mặt hàng tươi sống cũng ít người mua hẳn, lượng người đi chợ cũng thưa dần”.

Chợ Buôn Ma Thuột ngày 19-7-2021 khá thưa thớt người mua hàng.
Chợ Buôn Ma Thuột ngày 19-7-2021 khá thưa thớt người mua hàng.

Ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Ban Quản lý chợ Buôn Ma Thuột cho biết, ngay khi có văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý chợ đã thông báo trên loa công cộng để tuyên truyền các tiểu thương cũng như khách hàng đến mua bán tại chợ thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên đến từng quầy, sạp nhắc nhở các tiểu thương không nâng giá, đảm bảo cho khách hàng mua bán thuận lợi, tránh tập trung đông người. Riêng ngày 18-7, do người dân đổ xô đi mua khá đông dẫn đến thiếu hàng cục bộ, một số mặt hàng tăng giá đột biến. Tuy nhiên đến hôm nay cơ bản giá cả và lượng người mua đã trở lại bình thường.

Minh Khang


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.