Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar chú trọng phát triển kinh tế tập thể

08:15, 05/07/2021

Xác định kinh tế tập thể (KTTT) là một trong những mô hình kinh tế quan trọng, có khả năng tập hợp nông dân hoạt động theo hình thức có tổ chức, tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nên những năm qua, huyện Ea Kar đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

Những năm gần đây, nhiều nông dân xã Ea Sar đầu tư trồng vải thiều và nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, dù diện tích cây vải trên địa bàn xã tăng nhanh song vẫn là mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, có tình trạng giá bán không thống nhất dẫn đến giá trị quả vải bị hạ thấp.

Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản địa phương, tiến tới xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu sản phẩm để hướng đến xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Bình đã đứng ra vận động thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình Ea Sar. Hiện nay, HTX do anh Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc có 12 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 100 ha vải, diện tích thu mua trái vải khoảng vài trăm ha.

Anh Bình cho hay, việc thành lập HTX rất thuận lợi nhờ sự tạo điều kiện hết sức của chính quyền địa phương. Dù mới thành lập và đi vào hoạt động, song HTX được kỳ vọng sẽ tạo sự thống nhất, liên kết để hỗ trợ nhau giữa các hộ nông dân từ khâu sản xuất, quy trình kỹ thuật chăm sóc nâng cao chất lượng nông sản đến ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Bình (bìa phải) chia sẻ định hướng phát triển của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình Ea Sar với lãnh đạo huyện.
Anh Nguyễn Văn Bình (bìa phải) chia sẻ định hướng phát triển của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình Ea Sar với lãnh đạo huyện.

HTX Nông nghiệp 714 được thành lập vào năm 2010, với 25 thành viên. Đến nay, HTX có 32 thành viên, 587 hộ liên kết tham gia sản xuất hơn 383 ha ruộng lúa hai vụ. Ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX cho biết, những năm qua, HTX đã nhận được sự trợ lực kịp thời của địa phương trong việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Vụ đông xuân 2020 - 2021 HTX đã thu về khoảng 3.000 tấn lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8… Hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo 714, từ năm 2020 HTX quy hoạch cố định 32 ha ruộng chuyên canh sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Hiện tại, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm lúa gạo của HTX.

Xác định liên kết, hợp tác trong sản xuất là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế, những năm qua, UBND huyện Ea Kar đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả KTTT. Cụ thể là: đôn đốc tổ chức đăng ký lại hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012 và xử lý giải thể các HTX yếu kém, ngừng hoạt động; vận động ký kết giao ước thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời HĐND huyện cũng có Nghị quyết thông qua Đề án củng cố và phát triển KTTT huyện Ea Kar, giai đoạn 2018 - 2020...

Cùng với đó, huyện đã huy động các nguồn lực để có sự hỗ trợ đắc lực nhất cho HTX. Điển hình như: Hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các HTX Nông nghiệp dịch vụ Cư Ni, HTX Nông nghiệp 714, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa (xã Cư Huê)… với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; hỗ trợ kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tại HTX Nông nghiệp 714  (gồm trạm bơm, kênh mương, máy sấy không đảo, máy xay xát gạo) với kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng; hỗ trợ 389 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp, Dịch vụ du lịch Hồ Ea Kar đầu tư xây dựng nhà màng nông nghiệp (Poly – Greenhouses) sản xuất rau an toàn…

Một góc nhà máy chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp 714.
Một góc nhà máy chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp 714.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả KTTT, khắc phục tình trạng các HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thời gian tới huyện Ea Kar định hướng phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực trọng yếu. Cụ thể là quỹ tín dụng nhân dân, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải... Riêng lĩnh vực nông nghiệp - thế mạnh của huyện - sẽ phát triển mô hình HTX sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, có truy xuất nguồn gốc; phát triển liên kết sản xuất với doanh nghiệp, góp phần hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển theo chiều sâu, tạo ra các sản phẩm “sạch” cho xã hội và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; phát triển nông lâm nghiệp kết hợp. Huyện cũng chú trọng phát triển các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar nhấn mạnh, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX, tổ hợp tác trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các điển hình tiên tiến để tuyên truyền nhân rộng; kịp thời biểu dương, tôn vinh những HTX, tổ hợp tác điển hình tiên tiến để quảng bá hoạt động của HTX, sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng...

Toàn huyện Ea Kar hiện có 42 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, với 4.321 thành viên, tổng số vốn hoạt động khoảng 258 tỷ đồng, doanh thu bình quân gần 1,6 tỷ đồng/HTX/năm.

Hồng Thanh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.