Multimedia Đọc Báo in

Giao thương trực tuyến: Hướng mở cho thương mại trong bối cảnh đại dịch

08:13, 16/07/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp (DN) với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Để duy trì có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN của tỉnh đã chuyển sang đẩy mạnh giao thương trực tuyến.

Không để đơn hàng bị ngắt quãng

Theo Sở Công thương, dịch bệnh buộc các quốc gia lớn là thị trường xuất khẩu chính, quan trọng của tỉnh như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… phải triển khai hàng loạt biện pháp mạnh, siết chặt xuất - nhập cảnh để ngăn chặn dịch, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tập trung đông người bị hủy bỏ. Do đó, cơ hội tìm kiếm bạn hàng mới, kết nối giao thương trực tiếp với nước ngoài, giới thiệu sản phẩm của DN cũng bị thu hẹp hơn.

Đóng gói cà phê đã qua chế biến tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.
Đóng gói cà phê đã qua chế biến tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.

Trước những khó khăn chung đó, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm được các DN của tỉnh triển khai một cách linh hoạt, phù hợp. Nhiều DN đã chủ động đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm theo hình thức trực tuyến để thay thế hình thức xúc tiến thương mại truyền thống như trước đây.

Bà Lê Vũ Thùy Dung, phụ trách bán hàng xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk chia sẻ, thời gian này DN vẫn duy trì kinh doanh chủ yếu dựa vào việc triển khai tiếp thị, quảng bá sản phẩm trực tuyến, sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các gian hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế... để kết nối thường xuyên với khách hàng, trao đổi, cung cấp thông tin về mặt hàng xuất khẩu cho đối tác và tăng cường công tác bán hàng. Bình quân mỗi tuần, phía công ty tổ chức 2 - 5 buổi họp online.

Các buổi trao đổi trực tuyến là cơ hội để nhiều người trong công ty cùng tham gia thảo luận, bàn bạc, đưa ra nhiều ý tưởng mới trong kinh doanh. Thông qua mạng lưới kết nối này, DN không những giữ được mối quan hệ với khách hàng quốc tế mà còn tìm kiếm thêm những khách hàng mới. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng đơn hàng mới phát sinh của đơn vị vẫn tăng hơn 10%.

Cũng vì lý do dịch bệnh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái không thể trực tiếp ra nước ngoài để quảng bá sản phẩm, ảnh hưởng đến kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm của DN như đã dự kiến. Trong bối cảnh đặc biệt này, DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức hàng chục phiên họp trực tuyến với đối tác nước ngoài để đàm phán, ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc công ty cho hay: “Do không được gặp mặt trực tiếp, không cảm nhận được sản phẩm trực tiếp nên DN giải quyết bằng cách quay hình các công đoạn sản xuất theo quy trình, chụp ảnh sản phẩm gửi cho phía đối tác và giao hàng đúng cam kết. Với khách hàng mới thì quy trình này phải chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng hơn để thuyết phục họ".

Cũng theo ông Lợi, việc kết nối giao thương theo hình thức trực tuyến được coi là giải pháp quan trọng giúp DN tiếp cận từ xa đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch. Đây là kênh kết nối chính của đơn vị trong thời gian qua và đã phát huy hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2021, doanh số bán hàng của đơn vị vẫn giữ bằng thời điểm trước dịch bệnh. Không những thế, DN còn phát triển thêm được lượng khách hàng mới, đơn hàng phát sinh cũng tăng lên và bảo đảm việc làm cho người lao động.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên môi trường số

Ông Nguyễn Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước bị ảnh hưởng, buộc phải hủy, tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức so với kế hoạch ban đầu. Mới đây nhất, Bộ Công thương cũng đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand sale 2021 do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, chương trình sẽ lùi lại, tổ chức từ ngày 1 đến 30-9 trên phạm vi cả nước thay vì tổ chức vào tháng 7-2021 như kế hoạch ban đầu.

Một buổi họp trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Một buổi họp trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trước tình thế đó, ngành công thương địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án hỗ trợ DN, nông dân phù hợp với thực tiễn. Một trong những giải pháp được tập trung thực hiện là đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên môi trường số.

Ở thị trường trong nước, tín hiệu đáng mừng là từ ngày 21-6 vừa qua, sản phẩm bơ của nông dân Đắk Lắk đã được đưa lên bán tại “Phiên chợ nông sản trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) với Sở Công thương các tỉnh, thành phố để kết nối, giới thiệu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước. Nối tiếp hoạt động này, Sở Công thương Đắk Lắk đang nỗ lực kết nối để đưa các loại nông sản khác của tỉnh tiêu thụ trên môi trường số.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, ngành công thương tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ, kết nối, hướng dẫn DN, hợp tác xã, nông dân mở rộng kênh tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đưa sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Thứ nhất, đòi hỏi bản thân DN phải có sự chủ động, sẵn sàng về nhân lực, trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng…

Điều quan trọng hơn nữa là chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đối với hàng nông sản thì VietGAP là tiêu chuẩn bắt buộc phải có, cùng với đó là sự đồng đều, đồng nhất về chất lượng, kích cỡ… của hàng hóa. Trong khi đó, vẫn còn một số DN, nông dân sản xuất chưa thực sự quan tâm về vấn đề này.

Chính vì những lý do đó, để sản phẩm nông sản tiêu thụ tốt trong bối cảnh dịch bệnh với giá hấp dẫn thì không thể thiếu sự đồng hành của DN, nông dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, tư duy bán hàng và từng bước làm quen với việc ứng dụng công nghệ số. Đây là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của tỉnh trong thời gian đến.

Cuối tháng 7-2021, Sở Công thương Đắk Lắk sẽ phối hợp với Sở Công thương Đà Nẵng tổ chức chương trình kết nối cung cầu, giao thương trực tuyến. Đây là lần đầu tiên hoạt động này được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối DN của hai địa phương trao đổi về khả năng hợp tác thương mại và thiết lập quan hệ giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.