Multimedia Đọc Báo in

Hạn... giữa mùa mưa

08:08, 20/07/2021

Đắk Lắk đang trong mùa mưa, thế nhưng ở nhiều vùng, cây trồng vụ hè thu phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới.

Công trình thủy lợi chưa tích đủ nước

Mặc dù đã đến giữa mùa mưa, nhưng mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đạt rất thấp. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, vụ hè thu 2021, công ty có nhiệm vụ cấp nước cho trên 25.956 ha cây trồng (hơn 23.852 ha lúa và 2.103 ha hoa màu).

Tuy nhiên, do lượng mưa còn thấp và phân bố không đều nên nguồn nước ở nhiều công trình đang xuống mạnh, đặc biệt là ở các huyện như: Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông, M’Drắk, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk.

Tính đến ngày 19-7-2021, trong 247 hồ chứa mà công ty đang quản lý, chỉ có 52 hồ đạt mực nước dâng bình thường, còn lại: 58 hồ đạt từ 70 – 90%; 43 hồ đạt từ 50 – 70%; 86 hồ dung tích dưới 50% và 8 hồ cạn nước.

Một số hồ chứa nước lớn như Krông Búk hạ, Vụ Bổn, Ea Uy (huyện Krông Pắc), Ea Bông 2 (huyện Krông Ana), Ya Chlơi (huyện Ea Súp), mực nước hồ đã xuống dưới mực nước chết; hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trên mực nước chết hơn 8 cm, hồ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp) trên mực nước chết 3,4 m.

Hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đang được nhân viên quản lý công trình bơm tát từ mực nước chết lên kênh để chống hạn cho lúa.
Hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đang được nhân viên quản lý công trình bơm tát từ mực nước chết lên kênh để chống hạn cho lúa.

Với tình hình như trên, hiện nay một số công trình đã cạn kiệt nguồn nước và không còn nước để phục vụ tưới, khiến nhiều diện tích cây trồng đối mặt với tình trạng bị thiếu nước tưới, nhất là các vùng có nguy cơ cao như các huyện Ea Súp, Krông Pắc, Ea Kar…

Ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp thông tin, thời tiết năm nay diễn biến thất thường, đầu mùa mưa dồn dập, sau đó nắng nóng kéo dài khiến hơn 9.000 ha cây trồng (chủ yếu cây ngắn ngày) bị ảnh hưởng.

Ngoài công trình hồ Ya Chlơi đã ở dưới mực nước chết thì hồ Ea Súp thượng mực nước cũng còn rất thấp, do đó nguy cơ hạn trên diện rộng khá cao nếu thời gian tới không có mưa. Đối với diện tích cây trồng ngắn ngày ở những vùng không có công trình thủy lợi như ở xã Cư K’bang thì hầu như mất trắng, khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.

Anh Sùng Seo Tú (thôn 16, xã Cư K’bang) cho biết, nhà có 2,5 sào lúa, gieo từ đầu tháng 5 nhưng đã cháy rụi. Anh cho hay, từ đầu mùa mưa tới giờ, vùng này chỉ mưa vài trận nhỏ, không đủ thấm đất. Hồ chứa nước không có, suối lại ở xa, người dân chỉ chờ vào nước mưa để gieo trồng nên rất bấp bênh. Không chỉ lúa bị cháy, 5 ha sắn mà anh Tú thuê đất để trồng cũng quắt queo vì thiếu nước tưới.

Tương tự, bà Lý Thị Kỉm (thôn 11, xã Cư K’bang) trồng hơn 1,6 ha sắn cũng than thở: Chưa khi nào thời tiết thất thường như năm nay. Đầu mùa mưa được vài trận, sau đó thì không có trận mưa nào khiến vườn sắn đã chết khoảng 70%. Gia đình đã khó khăn, nay lại mất mùa, không biết xoay xở như thế nào.

Tập trung chống hạn

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 5 công trình, gồm: hồ Vụ Bổn, trạm bơm thôn 14 (huyện Krông Pắc); hồ Ea Bư (huyện Ea Kar); hồ Ya Chlơi (huyện Ea Súp); hồ Bảy Thiện (huyện Krông Năng) đã thực hiện các biện pháp chống hạn, với tổng diện tích gần 600 ha lúa. Các biện pháp chủ yếu là nạo vét kênh dẫn cửa vào cống lấy nước, bơm tát từ lượng nước còn lại trong hồ, đắp đập bổi trên sông Krông Pắc để dâng cao cột nước.

Đơn cử như tại hồ Vụ Bổn, phục vụ tưới cho trên 500 ha lúa, hoa màu nhưng hiện đã dưới mực nước chết. Công ty đã tiến hành nạo vét kênh dẫn trước cửa cống và bơm tát từ mực nước chết của lòng hồ ra kênh để phục vụ tưới chống hạn cho 240 ha lúa. Mặc dù hiện nay tình hình thiếu nước được khắc phục, nhưng cũng phải tưới thật tiết kiệm thì mới bảo đảm đủ nước.

Theo nhận định của công ty, nếu đến cuối tháng 7-2021 vẫn không có mưa thì sẽ có khoảng 9 công trình phải chống hạn, với tổng diện tích gần 500 ha lúa, tập trung ở các khu vực Ea Kar, M’Drắk, Ea Súp.

Vườn sắn của hộ bà Lý Thị Kỉm (thôn 11, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) quắt queo vì không có nước tưới.
Vườn sắn của hộ bà Lý Thị Kỉm (thôn 11, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) quắt queo vì không có nước tưới.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay đã có một số địa phương xảy ra hạn cục bộ, trong đó huyện Ea Súp có diện tích cây trồng bị hạn nhiều nhất. Đơn vị đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra lại tình hình thiếu nước tưới trên cây trồng cũng như thực hiện ngay các giải pháp chống hạn để hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất. Hiện Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp cũng chuẩn bị bơm nước chống hạn cho diện tích lúa nằm trong kế hoạch của hồ Ya Chlơi.

Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cũng đã có báo cáo sơ bộ về tình hình hạn hán trên địa bàn cho UBND huyện, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để sớm có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân. Về lâu dài, cần sớm cho triển khai dự hồ chứa nước Ea Khal cấp nước cho 5.000 ha đất canh tác của hai xã Cư K’bang và một phần xã Ea Rốk thì tình trạng hạn giữa mùa mưa mới được cải thiện.

Sở NN-PTNT cho biết, trên địa bàn Đắk Lắk có 785 công trình thủy lợi, trong đó có 610 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 650 triệu m3. Ngay đầu vụ Sở đã kiểm tra, đánh giá khối lượng nước để yêu cầu các địa phương có kế hoạch điều tiết nước phù hợp. Hiện Sở cũng đã chỉ đạo các huyện có nguy cơ xảy ra hạn hán như: Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea Kar, Krông Năng, M’Drắk rà soát lại nguồn nước để có phương án chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Minh Thuận


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.