Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Tập trung khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

08:16, 13/07/2021

Xác định tiêm vắc xin là biện pháp khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò hữu hiệu nhất, nên chính quyền huyện Cư Kuin đã kịp thời ứng trước kinh phí mua vắc xin tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi.

Huyện Cư Kuin là địa phương thứ hai của Đắk Lắk xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò với tốc độ lây lan khá nhanh. Ngay khi xuất hiện ổ dịch ở xã Ea Ning (vào ngày 8-6-2021), Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã nhanh chóng phối hợp với xã xử lý ổ dịch theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh lây lan sang nhiều xã lân cận. UBND huyện đã phải công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và yêu cầu trong thời gian có dịch tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò trên địa bàn xã Ea Ning; Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND các xã tập trung nguồn lực để dập dịch, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; thành lập các chốt chặn tại trục đường chính ra, vào vùng dịch; tuyên truyền vận động người dân chủ động tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò…

Người dân xã Ea Hu hỗ trợ cán bộ tiêm vắc xin ngừa viêm da nổi cục cho đàn bò.
Người dân xã Ea Hu hỗ trợ cán bộ tiêm vắc xin ngừa viêm da nổi cục cho đàn bò.

Đến thời điểm này, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 18 thôn, buôn thuộc 6 xã (trừ xã Hòa Hiệp và Ea Tiêu là chưa có dịch), với 42 con trâu, bò mắc bệnh; tổng số bò chết, mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc 35 con. Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND huyện đã ứng kinh phí gần 700 triệu đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, huyện đã mua 8.000 liều vắc xin viêm da nổi cục và 300 lít hóa chất diệt côn trùng để tiêm miễn phí 100% tổng đàn trâu, bò trong diện được tiêm và phun thuốc cho các chuồng trại chăn nuôi.

Ea Hu là xã đầu tiên được triển khai tiêm vắc xin cho đàn trâu, bò, với trên 700 con. Hiện địa phương này đã có ổ dịch với 3 con bị mắc bệnh. Để tránh lây lan ra diện rộng, lực lượng thú y toàn huyện được huy động nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, kịp thời dập dịch. Ông Trần Minh (thôn 4, xã Ea Hu) cho hay, gia đình ông nuôi 3 con bò, trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, ông rất lo lắng, tự tìm hiểu biện pháp, kinh nghiệm phòng tránh. Nay được huyện đến tiêm phòng miễn phí, gia đình ông rất vui vì đàn bò là tài sản lớn, nay đã được bảo vệ.

Tại xã Ea Ning, nơi bùng phát dịch mạnh nhất của huyện cũng đã thực hiện xong công tác tiêm phòng. Gia đình ông Võ Trung Thông (thôn 24) có đàn bò 10 con, nhưng không may có 4 con mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó phải tiêu hủy 1 con bị nặng, còn lại đang điều trị. Ông rất lo lắng về sức khỏe của 6 con bò còn lại vì sợ sẽ bị lây, nhưng cán bộ thú y của huyện đã kịp thời đến tiêm phòng nên sức khỏe đàn bò hiện ổn định, không thấy phát sinh bò mắc bệnh mới.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin, đến nay huyện đã triển khai tiêm được 5.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 6.800 liều vắc xin từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ, 1.000 liều vắc xin dịch vụ.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu của hộ dân trên địa bàn xã Ea Hu.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu của hộ dân trên địa bàn xã Ea Hu.

Trạm đã tổ chức tiêm phòng đại trà trên toàn huyện, hiện đang tiến hành tiêm vét đối với các thôn có số lượng trâu, bò ít. Dự kiến trước ngày 18-7-2021 sẽ hoàn thành cơ bản công tác tiêm phòng vắc-xin trên toàn huyện. Đáng ghi nhận là nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương có ý thức cao trong việc bảo vệ tài sản của chính mình nên đã hợp tác, hỗ trợ tích cực cán bộ thú y khi đến tiêm phòng. Đặc biệt, các trang trại đã chủ động mua vắc-xin về tiêm cho đàn trâu, bò chứ không chờ nguồn vắc-xin hỗ trợ của huyện. Ngoài ra, Trạm còn phối hợp với Đài truyền thanh huyện thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn xã chính xác tình hình dịch bệnh, về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh (như sử dụng hóa chất diệt côn trùng, chủ động mua vắc-xin tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại...), các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều kiện để được hỗ trợ.

Phòng NN-PTNT huyện đánh giá, đến nay đàn trâu, bò của các xã đã được tiêm phòng không phát sinh ổ dịch mới. Phòng cũng đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cũng như công tác phun hóa chất diệt côn trùng gây bệnh nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện. Phòng đã yêu cầu các xã triển khai thực hiện những biện pháp phòng chống dịch theo quy định, không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: thực hiện tốt công tác chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế người ra vào khu chăn nuôi, kịp thời khai báo với chính quyền địa phương khi có trâu, bò mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hộ giết mổ trâu, bò trên địa bàn huyện theo quy định; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tính đến ngày 9-7, trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 36 thôn, buôn của 20 xã thuộc các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M'gar, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột. Tổng số gia súc mắc bệnh là 100 con bò, phải tiêu hủy 50 con, với khối lượng tiêu hủy là 8.335 kg. Chi cục cũng đề nghị các huyện chủ động tiêm vắc xin cho đàn trâu, bò nhằm kịp thời khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Minh Thuận


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.