Multimedia Đọc Báo in

Khi voi được gỡ bành, tháo xích

14:04, 24/07/2021

Bị khuất phục trước các dũng sĩ tài năng, những chú voi hoang dã trở thành "bạn" đặc biệt của người dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Thế nhưng, chẳng biết tự bao giờ, voi phải đeo bành, quấn xích chở khách du lịch đến kiệt sức.

Khi voi "thảnh thơi" nhờ... COVID-19

Dịch COVID-19 ập đến, kéo dài gần hai năm qua khiến hoạt động du lịch của Đắk Lắk gần như “đóng băng”. Có lẽ, các huyện Lắk và Buôn Đôn (hai địa phương có thế mạnh về du lịch khi sở hữu đàn voi nhà lớn nhất tỉnh và cả nước) chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những chú voi từng đeo bành, quấn xích chở khách du lịch nay có dịp thong thả trong rừng tìm thức ăn, dưỡng sức, dẫu cho chủ nhân của chúng “méo mặt” vì mất nguồn thu.

Mô hình du lịch voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Mô hình du lịch voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Ông Y Khu Êban (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), chủ voi cái tên Ta Nuôn cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, nguồn thu từ việc cho voi chở khách du lịch bị giảm sâu, nhất là sau Lễ 30-4 (khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư). “Dịch bệnh xuất hiện, du khách không đến cưỡi voi, tôi không thu được đồng nào, đành thả voi Ta Nuôn vào rừng. Những ngày nắng nóng, rừng khộp cháy khô, tôi còn bỏ tiền ra mua mía, chuối… làm thức ăn cho voi chống đói”, ông Y Khu chia sẻ. Khi đề cập đến việc cho voi ngừng chở khách, ông Y Khu nói chưa nghĩ đến. Bởi thực tế, nếu không bị tác động của dịch bệnh, mỗi tháng, ông thu hơn 20 triệu đồng từ việc cho voi chở khách.

Tương tự, anh Y Jư Uông (trú buôn Cuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk) cũng mất nguồn thu sau khi voi cái Băc On bị “thất nghiệp” vì dịch COVID-19. Bản thân anh từng nghĩ đến viễn cảnh voi nhà sẽ già đi và không đủ sức để chở khách kiếm tiền. Nhiều lần, anh xót xa khi thấy Băc On mệt lả vì chở khách. Ý nghĩ cho voi thôi chở khách từng lóe lên trong tâm trí anh, song nhanh vụt tắt bởi thực tế Băc On là “nồi cơm” của 5 gia đình dòng họ Uông. “Trung tâm Bảo tồn voi vận động gia đình cho voi tham gia vào mô hình du lịch thân thiện. Như vậy, voi sẽ được thả vào rừng, không phải chở khách nữa. Bản thân tôi cũng rất muốn tham gia, nhưng phải hỏi ý kiến của các thành viên trong dòng họ Uông”, anh Y Jư tâm sự.

Du lịch không nhất thiết phải cưỡi voi

Thực trạng voi nhà bị sụt giảm cả số lượng lẫn chất lượng (hiện chỉ còn 37 cá thể, hầu hết đã quá tuổi sinh sản) đã được các chuyên gia bảo tồn cả trong nước lẫn quốc tế cảnh báo nhiều năm, thậm chí phát đi thông điệp cảnh báo về xung đột giữa voi và người nếu tiếp tục bắt voi chở khách du lịch. Thực tế trong năm 2020, ở Đắk Lắk ghi nhận hai sự cố: Voi nhà quật chết nài voi (xảy ra ngày 22-5, tại huyện Lắk) và voi làm 3 du khách bị thương (ngày 20-7, tại huyện Buôn Đôn). Sự việc này càng thôi thúc các chuyên gia, ban ngành liên quan quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi mô hình du lịch từ cưỡi voi sang ngắm voi từ xa (du lịch thân thiện).

Du lịch cưỡi voi  làm ảnh hưởng  đến sức khỏe  của voi.
Du lịch cưỡi voi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.

Từ tháng 7- 2018 được sự đồng tình ủng hộ và hỗ trợ kinh phí cũng như định hướng thực hiện "tour du lịch thân thiện voi" của Tổ chức động vật châu Á, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã triển khai thành công mô hình du lịch trên. Theo đó, voi được thả trong môi trường tự nhiên, không bị xiềng xích, đánh đập, được tự do di chuyển, ăn uống... Khi tham gia tour thân thiện, du khách sẽ được ngắm voi từ xa, được xem những hoạt động của voi trong rừng và được hướng dẫn viên chia sẻ các thông tin liên quan đến đặc tính của voi...

Sau gần 4 năm triển khai, mô hình này đã chứng minh hiệu quả bước đầu. Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, thời gian đầu du khách chưa quen với mô hình du lịch ngắm voi từ xa. Bởi theo suy nghĩ của nhiều du khách là muốn được cưỡi voi, sờ vào voi, chụp ảnh cùng voi... Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, truyền thông về mô hình du lịch có sử dụng voi mà vẫn đảm bảo phúc lợi cho voi, dần dần du khách cũng hiểu, ủng hộ, lượng khách tham gia ngày càng đông.

Thanh Thủy


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.