Multimedia Đọc Báo in

Thị trường lao động trong "cơn bão COVID-19 số 4"

07:12, 19/07/2021

Cơn bão số 4 vẫn mang tên COVID-19 đã và đang càn quét, tác động nặng nề đối với thị trường lao động. Sự tác động tiêu cực đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Như vậy, so với quý I năm nay, dịch COVID-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm lao động ở độ tuổi từ 25 - 54 chịu tác động nhiều nhất với 75% lao động bị ảnh hưởng.

Lao động có việc làm phi chính thức tăng

Theo tính toán ở trạng thái bình thường, so với cùng kỳ năm trước quy mô lao động có việc làm năm nay cần phải tăng 3,6 triệu người chứ không phải 1,8 triệu người như hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với sự bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước đang rơi vào tình trạng không có việc làm.

Trong quý II năm 2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 251,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý ghi nhận tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng để duy trì sản xuất.    Ảnh: Hoàng Gia
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng để duy trì sản xuất. Ảnh: Hoàng Gia

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ hiện sụt giảm cả về số lượng và tỷ trọng, số người thiếu việc làm ở khu vực này tăng cao. Trong ba khu vực kinh tế, lao động trong độ tuổi thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương với hơn 410 nghìn người thiếu việc làm); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6% (hơn 407 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,6% (hơn 327 nghìn người). So với cùng kỳ năm 2020, số lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ quý II năm 2021 tăng gần 100 nghìn người.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) ở mức cao

Trong "cơn bão" đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,47%, cao hơn thời điểm cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) 0,97 điểm phần trăm và cao gấp gần 3 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao hơn gấp 1,5 lần ở khu vực nông thôn. Nghĩa là, ở thành thị, cứ 100 thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tham gia hoạt động kinh tế thì có khoảng 10 người thất nghiệp, con số này ở khu vực nông thôn là 6 người. Cụ thể, trong quý II năm 2021, cả nước có gần 2 triệu (chiếm 16,7%) thanh niên 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, tăng 243 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu tăng 

Trong quý II năm 2021, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ghi nhận mức tăng cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Cả nước hiện có 4,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên là lao động tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 5,7% so với tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Hầu hết người làm công việc tự sản tự tiêu ở khu vực nông thôn và 2/3 trong số họ là nữ giới.

Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 19,4 giờ cho công việc nông nghiệp (tương đương 2,8 giờ/ngày) và 16,6 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 93,4%). Cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở nên khó khăn hơn trước những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao về tay nghề, kỹ năng cộng với tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Đàm Thuần


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.