Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Giáo dục kỹ năng sống góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình

15:23, 12/04/2010

Giáo dục kỹ năng sống cho phụ nữ là mục tiêu mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, hầu hết các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua ngoài những nguyên nhân như: trình độ văn hóa của một bộ phận nhân dân còn thấp, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bất bình đẳng về giới đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người thì nguyên nhân sâu xa, căn bản vẫn là do thiếu kỹ năng sống.

Lễ ra mắt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình huyện Krông Ana
Lễ ra mắt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình huyện Krông Ana

Đã có không ít trường hợp phụ nữ bị bạo hành, ngược đãi tìm đến tổ chức Hội kêu cứu, nhờ tư vấn, giúp đỡ, trong đó, không ít chị khăng khăng đòi ly hôn với rất nhiều lý do: không thể sống chung với người đàn ông phản bội ấy; đã ngoại tình lại còn lăng mạ, đánh đập vợ, con; suốt ngày cứ bù khú với bạn bè… Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên; tuy nhiên qua tâm sự, không ít chị đã bộc bạch: hạnh phúc đổ vỡ, gia đình tan nát, một phần cũng do lỗi của mình. “Nếu mình sáng suốt, bình tĩnh, khéo léo ngăn chặn kịp thời khi phát hiện anh ấy đi với người phụ nữ khác, có lẽ, vợ chồng không phải ra tòa. Các con không phải xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp khi bố mẹ đã ngoài 50 tuổi còn chia tay nhau”, chị L.T.T. (ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) nói. Còn chị H. (ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, thay vì lo lắng, chăm sóc, chị lại cằn nhằn, trách móc mỗi khi anh ngồi nhậu với bạn bè. Hai vợ chồng lời qua, tiếng lại, hậu quả là những trận đòn, thậm chí có lúc chị  phải nhập viện. “Rõ ràng cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình, tổ ấm của mỗi người. Cách ứng xử này hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng sống của mỗi người”, chị Nguyễn Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế, từ năm 2008 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến toàn thể hội viên thông qua các câu lạc bộ, tổ, nhóm và xây dựng tờ tin nội bộ. Không dừng lại ở việc tuyên truyền suông những điều Luật, các câu lạc bộ, tổ, nhóm đã giới thiệu cho phụ nữ hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt, khi bị bạo lực các nạn nhân biết tìm đến địa chỉ nào để được tư vấn, giúp đỡ. Một nội dung quan trọng khác được các câu lạc bộ, tổ, nhóm đưa vào sinh hoạt là cung cấp kỹ năng sống cho phụ nữ. Cụ thể là các kỹ năng: nhận diện vấn đề, xác định tình huống, xử lý mâu thuẫn, giải quyết vấn đề có lý trí  nhằm giúp phụ nữ tự bảo vệ trước những vấn đề xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và an toàn cuộc sống.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, giáo dục kỹ năng sống cho phụ nữ là điều không dễ và một mình tổ chức Hội cũng khó có thể  thực hiện được, nhưng qua những buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép sinh hoạt tổ nhóm, đã giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết, trang bị thêm những kiến thức xã hội. Điều này rất có ích, giúp chị em có cái nhìn, sự nhận thức đúng đắn trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống, từ đó, suy nghĩ, xem xét, giải quyết các vấn đề một cách có lý trí, không xử lý theo kiểu cảm quan, dẫn đến những hậu quả xấu. Mà nạn nhân, người bị thiệt thòi trong các vụ bạo hành gia đình vẫn là phụ nữ.
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, năm 2008, toàn ngành chỉ tiếp nhận 238 trường hợp ly hôn nguyên nhân do bạo lực gia đình, thì năm 2009 số vụ ly hôn do bạo lực gia đình đã là 287 trường hợp. Điều này không có nghĩa, trước đây bạo hành gia đình trên địa bàn tỉnh ta xảy ra ít, mà là do phụ nữ ngại “vạch áo cho người xem lưng”; vì danh dự, muốn bảo vệ chút sĩ diện mà họ không dám khai báo; thậm chí khi bị bạo hành không biết tìm đến địa chỉ nào để được giúp đỡ. Sau khi được trang bị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng sống, các chị đã mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ chính kiến của mình, bộc bạch những khúc mắc trong lòng. Qua đó, có cách ứng xử khéo léo, nhằm bảo vệ hạnh phúc của riêng mình. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã đoàn tụ, tìm lại hạnh phúc tưởng chừng đã tuột khỏi tầm tay.

Gia Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.