Multimedia Đọc Báo in

Day dứt... xóm mù

16:04, 21/05/2010

Từ mấy chục năm nay, nhiều người dân TP. Buôn Ma Thuột vẫn quen gọi tổ liên gia 6, thuộc tổ dân phố 7, phường Tân Lập là... xóm mù, bởi nơi đây tập trung nhiều người mù sinh sống.

Ký ức xóm mù
Một ngày giữa tháng 4, dưới cái nắng như đổ lửa chúng tôi tìm về xóm mù. Ghé quán nước cạnh đường Nguyễn Văn Cừ hỏi thăm đường vào xóm, chị bán hàng chỉ tay nói: “Chú cứ đi thẳng vào đường Trần Quý Cáp, đến cái dốc cạnh hồ ông Giám là đến, cả thành phố có mỗi một xóm mù đó chứ mấy”. Hỏi nhiều người dân sống lâu năm ở đây, xóm mù có từ bao giờ, nhưng cũng chẳng ai biết, họ chỉ biết tại tổ liên gia này có nhiều hộ người mù sinh sống nên gọi vậy cho dễ nhớ, lâu dần thành quen. Ông Võ Hiếu Hòa làm Tổ trưởng tổ dân phố 7 đã hơn chục năm nhưng cũng chỉ nhớ mang máng rằng, những hộ người mù vốn không phải là người địa phương mà chủ yếu là dân tứ xứ tìm đến đây mưu sinh vào những năm sau giải phóng. Lúc đó chỉ  hơn vài  hộ sống tại khu bến xe cũ Km3. Sau đó họ được “gom” về đây, số thì dựng tạm túp lều che mưa, che nắng dưới chân đê hồ ông Giám để ở, số lại lang thang đến vùng khác làm ăn. Ở cạnh hồ được một thời gian, sợ hồ vỡ vào mùa mưa nên xóm mù lại di dời lên chỗ cao cạnh sườn đồi này và “yên vị” tại đây cho đến tận bây giờ. Xóm nằm trên sườn đồi thoai thoải cạnh đường Trần Quý Cáp, con đường nhỏ dẫn vào xóm đá lởm chởm, gập ghềnh. Xóm mù ngày xưa thưa thớt lắm, chỉ chưa đầy chục hộ người mù sinh sống chứ không đông đúc như bây giờ. Mấy năm trở lại đây giá đất vùng nội thành lên cao, nhiều người đổ xô đến xóm này mua đất xây nhà, vì thế mà xóm cũng bớt phần hiu quạnh. Những ngôi nhà cao tầng mới được xây lên che đi những căn nhà cấp bốn lụp xụp của những hộ người mù.

Ông Nguyễn Nghề (áo đen) và người hàng xóm cùng cảnh ngộ Nguyễn Văn Hiệp.
Ông Nguyễn Nghề (áo đen) và người hàng xóm cùng cảnh ngộ Nguyễn Văn Hiệp.

Còn nhiều day dứt...
Tổ liên gia 6 có 44 hộ, 186 nhân khẩu, trong đó có 11 hộ người mù, và cũng là những hộ sống ở đây lâu đời nhất. Họ sống ngay cạnh nhau, nhà này cách nhà kia vài chục mét, đó là cách họ nương nhờ nhau, để khi lỡ nhà nào có chuyện gì chỉ cần gọi một tiếng là có thể tới ngay được. Mỗi gia đình người mù nơi đây đều có những hoàn cảnh éo le riêng. Vào thăm nhà ông Nguyễn Nghề (70 tuổi) nằm ngay đầu dốc, trong nhà bàn ghế, đồ đạc để vung vãi, phía góc nhà còn hơn chục cây chổi ông mới lấy về chưa bán hết. Ông than, bữa ni giá chổi lên cao quá, lấy vào đã 15-16 ngàn đồng/chiếc, đắt gần gấp đôi so với trước. Muốn lấy số lượng lớn một lần cho đỡ vất vả nhưng khổ nỗi tiền vốn không có. Mỗi ngày, dạo mỏi chân cũng chỉ bán được dăm cái, đó là gặp hôm trời nắng còn trời mưa thì chỉ ngồi ở nhà. Ông cho biết, tăm tre, chổi đót chủ yếu là mua từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn rồi đem bán lại chứ hội không sản xuất. “Nói thật người mù cả, làm thì chậm, chất lượng lại kém, có bán cũng chẳng ai mua”, ông Nghề thổ lộ. Nhà ông có đến 6 người con, nhưng  chỉ có cô con gái út là đang học lớp 10, các anh chị nó học chưa hết cấp 2 đã phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp bố mẹ, rồi lập gia đình mỗi người một phương. “Nhà tui cũng vào loại kinh tế khá, hằng tháng có tiền trợ cấp chính sách được mấy trăm ngàn, cộng với bà nhà buôn bán lặt vặt mới có đồng vô đồng ra nuôi lũ nhỏ, nhiều gia đình còn phải chạy ăn từng bữa, tiền đâu lo cho lũ trẻ đi học đến nơi đến chốn”, ông Nghề chia sẻ.

Ông Đinh Khuya cùng đứa cháu ngoại.
Ông Đinh Khuya cùng đứa cháu ngoại.

Hộ ông Đinh Khuya và bà Nguyễn Thị Bé nằm heo hút ở một góc sâu trong xóm. Gia tài chỉ có cái ti vi, do một công ty trên phố tặng vào dịp tết vừa rồi là đáng giá. Ông bà cũng đã lớn tuổi, có được ba người con gái nhưng cũng đã lần lượt đi lấy chồng và ở xa hết. Mới đây cô thứ hai có một đứa con gái rất xinh xắn, nhưng rồi hạnh phúc tan vỡ, cô mang con về gửi ông bà ngoại nuôi và “bước thêm bước nữa”. Ông bà ngoại gần 70 tuổi, hằng ngày lại phải lọ mọ đi bán chổi, bán tăm, vé số kiếm tiền nuôi cháu. Được cái con bé rất ngoan, từ ngày có nó trong nhà lúc nào cũng có tiếng trẻ con nên ông bà cũng bớt buồn tủi. Hộ chị N.T.Ph, một người mù đã luống tuổi, nghĩ cảnh đời éo le, chị đành gá nghĩa cùng một người mù trong xóm có được hai mặt con, mong có chỗ dựa sau này khi về già. Thằng cu lớn mới học lớp hai nhưng đã khôn lắm, ngoài giờ học, hôm nào được nghỉ nó lại dắt mẹ ẵm em đi bán vé số.

Bà Nguyễn Thị Bé và đứa cháu ngoại.
Bà Nguyễn Thị Bé và đứa cháu ngoại.

Ông Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết, thành phố có chủ trương xóa nghèo, phường cũng nằm trong diện phải xóa hộ nghèo, nhưng làm sao xóa được khi tổ dân phố có 6 hộ nghèo thì trong đó đã có đến 5 hộ người mù. “Chúng tôi cũng đã làm đơn đề nghị xin chuyển những hộ mù được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng nhưng không được. Cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào đi bán chổi, tăm tre dạo, thu nhập cũng chưa đủ nuôi sống bản thân thì làm sao mà thoát nghèo”, ông Hòa nói.

Lê Sông Lam


Ý kiến bạn đọc