Multimedia Đọc Báo in

“Người mẹ” của những “đứa con” điên

15:27, 26/05/2010

Chăm sóc người bệnh thông thường đã khó, chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần, những người bị hạn chế về khả năng nhận thức cũng như hành vi, lại càng khó hơn. Thế nhưng, bằng tấm lòng “từ mẫu”,  những cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh vẫn luôn quan tâm, chăm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình…

Điều dưỡng Lương Thị Thành Ngọc đang kiểm tra dịch truyền cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Lương Thị Thành Ngọc đang kiểm tra dịch truyền cho bệnh nhân.

Tuy đã được tách thành một đơn vị độc lập từ đầu năm 2008, song hơn 2 năm qua, Bệnh viện Tâm thần (BVTT) tỉnh vẫn hoạt động trong tình trạng tạm bợ về cơ sở hạ tầng, thiếu thốn trang thiết bị và nguồn nhân lực. Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc BVTT tỉnh cho biết: Hiện tại, BV có 54 cán bộ công nhân viên, trong đó có 6 bác sĩ, 4 dược sĩ, 2 cử nhân và 26 điều dưỡng, làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho trên 60 bệnh nhân nội trú và 25-30 bệnh nhân ngoại trú đến khám mỗi ngày. Từ sau khi thành lập, số lượng cán bộ, công nhân viên được bổ sung quy mô khoa phòng cũng mở rộng, song cơ sở hạ tầng vẫn phải mượn tạm khu nhà cũ, trước là Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phòng ốc chật chội nên khu vực hành chính, phòng làm việc của cán bộ lãnh đạo phải ghép chung để có thêm nơi đặt máy móc, thiết bị, khám và điều trị cho người bệnh. Mặc dù phải làm việc trong hoàn cảnh “khó trăm bề” lại chịu nhiều áp lực, nhưng tất cả các y, bác sĩ vẫn hết lòng với bệnh nhân và xem họ như người nhà của mình. Với sự nỗ lực ấy, đến nay, BV đã triển khai thêm được nhiều kỹ thuật mới vào công tác điều trị cho người bệnh, bao gồm kỹ thuật sốc điện tâm thần và các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, siêu âm, đo lưu huyết não (là đơn vị y tế duy nhất của tỉnh có dịch vụ này); đồng thời, đưa thuốc tâm thần thế hệ mới vào điều trị. Qua đó đã rút ngắn được thời gian điều trị, nâng cao khí sắc cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng nhanh hơn.

Người bệnh đang được kiểm tra điện não tại Bệnh viện Tâm thần.
Người bệnh đang được kiểm tra điện não tại Bệnh viện Tâm thần.

Quả thật, gần một giờ đồng hồ tiếp xúc với những người “nửa tỉnh, nửa mê”, chúng tôi thấy đồng cảm với họ chẳng may mắc phải căn bệnh này và lại càng cảm phục sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ. Ở nơi đây, chuyện điều dưỡng (kể cả những điều dưỡng trẻ, chưa có gia đình), cắt móng tay, móng chân, tắm rửa, thay quần áo, bón cơm cho người bệnh, hay ngồi nghe những câu chuyện chẳng có đầu cũng chẳng có đuôi từ các bệnh nhân là rất đỗi thường tình. Điều dưỡng Lương Thị Thành Ngọc, chia sẻ: Phần lớn bệnh nhân đến điều trị tại đây có bệnh khá nặng, nhiều người còn bị gia đình đưa đến rồi bỏ rơi, phó mặc sự chăm sóc cho bệnh viện. Chính vì thế, hàng ngày, ngoài công việc chữa bệnh, chúng tôi còn phải nhận luôn công việc chăm sóc của thân nhân người bệnh. Và chuyện bệnh nhân lên cơn rượt đánh bác sĩ, điều dưỡng là thường. Còn bác sĩ Nhâm lại thổ lộ: Tâm thần là một chuyên khoa đặc biệt, do đó, quá trình thăm hỏi bệnh đối với bệnh nhân tâm thần rất khó khăn và nguy hiểm so với những chuyên khoa khác, bởi ngoài suy giảm lý trí, bệnh nhân còn có những hành động hung hãn, bất thường. Mặc dù vậy, đến nay, những người làm công tác ở lĩnh vực này cũng chẳng được hưởng thêm chế độ đãi ngộ, thù lao nào khác. Chính vì thế, có không ít người tuy công tác trong ngành Y tế nhưng khi nhắc đến lĩnh vực này vẫn e dè, ái ngại nên việc thu hút cán bộ về công tác ở BV là rất khó. Trong khi đó, hiện tại, BV rất đông bệnh nhân mà lực lượng bác sĩ lại quá mỏng, quá trình trực gác rất vất vả. Bình thường một bác sĩ chỉ theo dõi, phục vụ khoảng 10 bệnh nhân, nhưng ở đây, 1 bác sĩ phải phục vụ 29 bệnh nhân. Điều đó khiến cho công tác thăm khám, phục vụ không thể thấu đáo được.

Đo lưu huyết não cho người bệnh tại khoa khám.
Đo lưu huyết não cho người bệnh tại khoa khám.

Từ thực tế trên cho thấy tấm lòng “từ mẫu” của người thầy thuốc nơi đây luôn được trải rộng. Những việc họ làm đến những điều họ nghĩ luôn hướng về người bệnh. Với họ, niềm trăn trở lớn nhất là nguồn thuốc tâm thần thế hệ mới trong kho đã sắp cạn, trong khi kinh phí mua thuốc lại chưa được cấp. Không có thuốc mới đồng nghĩa với việc phải sử dụng thuốc cũ và người bệnh lại ở trong trạng thái ngủ li bì khi dùng thuốc này. Và họ mong mỏi, thời gian tới, BV sẽ được tăng cường thêm nguồn nhân lực để công tác khám và điều trị cho người bệnh được kỹ lưỡng hơn.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc