Multimedia Đọc Báo in

Chênh vênh xóm đò ngang

14:28, 11/06/2010
Cứ đến mùa mưa là người dân thôn 6 , xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) lại phập phồng lo chuyện qua sông. Giao thông cách trở chỉ vì thiếu một cây cầu kiên cố đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với những ai sống tại khu vực này…
Bấp bênh cầu phao...
Thôn 6 được thành lập vào khoảng giữa thập niên 80, chủ yếu là người dân từ Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế đến sinh cơ lập nghiệp. Thôn có trên 160 hộ, khoảng 850 nhân khẩu. Đất đai cằn cỗi, diện tích vườn đồi rất khó canh tác, nên kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào cây lúa nước và bắp nằm ven sông Krông Ana. Bởi vậy, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc rất lớn vào con nước. Tuy dòng Krông Ana đã cho họ nhiều mùa lúa bội thu, nhưng cũng là nhân tố gây ra bao khó khăn chồng chất, không hiếm lần thôn 6 bị cô lập như một ốc đảo mỗi khi mùa mưa đến. Con đường độc đạo đưa họ sang sông vào mùa nắng là chiếc cầu phao đã được UBND huyện làm cách đây khoảng 10 năm, được xem là vật cứu tinh cho người dân sở tại trong những ngày nắng, nhưng bây giờ cầu cũng bị xuống cấp trầm trọng, một số thanh gỗ đã bị rơi rớt. Trong khi đó, ở điểm đầu và cuối của cầu lại có độ dốc rất nguy hiểm đối với người qua lại. Biết vậy, nhưng cũng phải qua cầu vì đó là con đường duy nhất và tốt nhất. Ông Phạm Xuân Phận, Trưởng thôn 6 cho biết, nếu không có cầu phao thì mùa nắng người dân thôn 6 cũng bị cô lập chứ không phải chỉ riêng mùa mưa, mỗi lần qua cầu phao, người dân phải trả 3.000 đồng cho người và phương tiện. Còn khi mưa đến, xã phải tháo dỡ cầu phao để tránh trường hợp nước cuốn trôi cầu, chờ khi nước rút mới lắp lại. Nhiều trường hợp phụ nữ và học sinh qua cầu bị té xuống sông; qua được cầu đã khó, nhưng để đi hết 6 km đường đất có lớp bụi dày khoảng 4 cm cũng là một cực hình. Nhiều người dân cho biết, mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì chỉ có xe Win mới đủ sức vật lộn với đoạn đường lầy lội này. Bởi thế nên ở đây hầu như hộ nào cũng sắm xe Win để chống chọi với con đường mưa lầy nắng bụi.
Người dân thôn 6 đi làm qua cây cầu phao.
Người dân thôn 6 đi làm qua cây cầu phao.

Mong ước một cây cầu
Bởi sự cách trở đôi bờ nên thôn 6 như thu mình lại mỗi khi mùa mưa đến. Những cánh đồng lúa, nương ngô và cả những con đường ở đây đều bị biến thành dòng sông cuồn cuộn chảy. Hàng chục ha hoa màu bị cuốn trôi, đứng xa xa nhìn về thôn chỉ thấy lưa thưa mấy ngôi nhà của các hộ dân được xây trên đồi. Mùa nước nổi ở đây cũng chẳng khác gì đồng bằng sông Cửu Long khi cơn lũ tràn qua. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là người dân nơi đây lại thấp thỏm lo chuyện đi lại, qua sông, qua đồng. Chị Nguyễn Thị Xoan, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 6 cho biết, mùa mưa cầu phao không sử dụng được, người dân thôn 6 lại phải dựa vào đò ngang, mà điều đặc biệt ở đây là đò ngang phải băng qua cánh đồng, lúc ấy ruộng đồng cũng bị biến thành sông. Nước dâng lên thì tất cả mọi người trong thôn buộc phải đi lại bằng đò ngang của tư nhân, mỗi lượt là 5.000 đồng/người/xe, nếu có hàng hóa kèm theo thì cộng thêm tiền chi phí. Có từ 2 đến 3 chiếc đò ngang hoạt động chở người và phương tiện qua cánh đồng, mỗi chuyến chở từ 10 đến 15 người. Còn nông sản và các loại hàng hóa khác đều phải vận chuyển bằng chiếc phà cũ kỹ, xuống cấp, nhưng dẫu sao đó cũng là giải pháp tốt nhất hiện nay.
Chiếc đò cũ kỹ là phương tiện để người dân vận chuyển nông sản.
Chiếc đò cũ kỹ là phương tiện để người dân vận chuyển nông sản.

Không chỉ vậy, khi mùa mưa đến, người dân thôn 6 còn thấp thỏm lo âu cho con đường đến trường của con em mình. Các em học sinh tiểu học thì không sao vì đã có trường trong thôn, đối với học sinh THCS và THPT thì quả là nhọc nhằn, vất vả, các em phải nghỉ học hoặc đến lớp không đúng giờ là chuyện bình thường, vì đò ngang thì ít mà người qua lại thì đông. Em Phạm Văn Cường (Trường THCS Lê Văn Tám) thổ lộ, mùa mưa em và các bạn đi học cực lắm, rất hay bị trễ giờ, nhiều hôm 5 giờ sáng phải ra bến để đón đò cho kịp giờ học. Học sinh THPT còn khổ hơn vì trường cách xa bến đò, nên các em phải thuê tiếp một chặng xe hoặc quá giang người đi đường để đến trường. Nhiều gia đình phải thuê phòng trọ gần trường để việc học của con được thuận lợi hơn. Chị Xoan cho biết thêm, con gái lớn của chị đang học THPT, nên chị phải thuê phòng trọ cho con, mỗi tháng ít nhất phải tốn 600.000 đồng, thắt lưng buộc bụng mới đủ tiền cho con ăn học. Nếu như có một cây cầu thì con chị vẫn có thể đạp xe đến trường và về, sẽ giảm được khoản chi tiêu tốn kém thuê trọ. Một số gia đình vì điều kiện khó khăn, cộng với đường đi lại bị cản trở nên đành cho con nghỉ học sớm. Trăm cái khó chồng chất lên nhau đã dẫn đến hệ lụy là tại địa bàn thôn 6, tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao và tỷ lệ sinh con thứ 3 thì không giảm, kinh tế hộ gia đình vẫn chỉ dựa vào cây lúa nước…
 
Hình ảnh những con đường gồ ghề, khúc khuỷu, cầu phao tròng trành và những chuyến đò ngang băng qua cánh đồng luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân thôn 6. Mong rằng sẽ sớm có một cây cầu kiên cố thay thế cho đò ngang, phà tạm hiện nay để thỏa lòng mong mỏi của hàng trăm hộ dân nơi đây…
Hoàng Tuyết

Ý kiến bạn đọc