Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo trẻ: Năng động hay... vội vàng?

14:39, 21/06/2010
Bên cạnh số ít khá năng động, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, một số nhà báo trẻ đang “vướng” vào một thực trạng ...vội vàng khi thông tin.
Một lần cùng với mấy đồng nghiệp là nhà báo trẻ đi tìm hiểu về thực trạng phá rừng ở một huyện biên giới, chúng tôi được người dân địa phương dẫn đến các khu rừng mà họ cho là lâm tặc đang hoành hành và kể nhiều câu chuyện liên quan đến tình trạng phá rừng ở đây. Mới kết thúc ngày đầu đi thực tế, trong khi còn chưa kịp gặp gỡ, tìm hiểu, kiểm chứng nguồn thông tin từ nhiều cơ quan khác nhau thì một số phóng viên (chủ yếu là phóng viên trẻ) đã vội về trước để làm tin cho… thời sự! Sáng hôm sau, vừa gặp chúng tôi tại trụ sở làm việc (theo lịch hẹn) đồng chí chủ tịch UBND huyện nọ đã “vò đầu bứt tai”: Các anh hại chúng tôi rồi. Đã viết rồi còn hẹn làm việc, tìm hiểu gì nữa. Chuyến này chúng tôi sẽ kiện. Phải mất một hồi lâu giải thích, anh mới đồng ý tiếp, trao đổi công việc với chúng tôi. Thì ra, mới nghe người dân kể lại, thông tin chưa được kiểm tra, xác minh, nhưng các đồng nghiệp trẻ đã vội vàng đưa lên báo. Nghiêm trọng hơn, họ còn thổi phồng tình trạng phá rừng ở đây lên đến mức báo động, tràn lan, chính quyền địa phương bất lực, thậm chí là tiếp tay cho lâm tặc. Đặc biệt, nhiều tin còn kèm theo ảnh khai thác gỗ với đủ loại phương tiện xe công nông, cưa máy. Do chưa tìm hiểu kỹ nên các đồng nghiệp trẻ đã không biết rằng, khu rừng đó là đất của một dự án đang được triển khai. Trong quá trình thực hiện dự án, cũng có một vài cá nhân lợi dụng phá rừng nhưng không đến mức “tràn lan”, “công khai”, “nghiêm trọng” như những đồng nghiệp trẻ nghe được. Còn những tấm ảnh kèm theo, lực lượng kiểm lâm địa bàn khẳng định, đúng là ảnh phá rừng trái phép nhưng ở một tiểu khu khác chứ không phải như phóng viên chú thích!
Một chuyến đi vùng sâu của phóng viên
Một chuyến đi vùng sâu của phóng viên
 
Câu chuyện trên không phải là cá biệt về phong cách làm báo của một bộ phận phóng viên trẻ hiện nay. Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phóng viên mới vào nghề đi dự các hội nghị nhưng không theo dõi mà chỉ đến xin báo cáo rồi về viết tin, bài. Do các báo cáo còn ở dạng dự thảo, chưa được điều chỉnh, bổ sung chuẩn xác, nhưng vì không tham dự đến nơi đến chốn nên các phóng viên này không biết. Hậu quả là nhiều thông tin, nhất là những con số, địa danh trong bài viết bị sai nghiêm trọng. Nhiều đồng nghiệp làm ở bộ phận biên tập của một số tờ báo cho biết thêm, không ít phóng viên trẻ vụng về trong tác nghiệp nhưng tinh vi trong việc “đạo” tin, bài của người khác. Trước khi viết về một vấn đề nào đó, thay vì đi tìm hiểu, thu thập thông tin thì họ lại lang thang trên Internet hoặc lật giở các báo mạng tìm những bài viết tương tự, xào xáo lại để biến thành tác phẩm của mình.
Làng báo Việt Nam đang có những phóng viên trẻ khá năng động, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay sau khi rời ghế nhà trường, đã và đang trở thành những cây viết vững vàng, không thua kém các bậc đàn anh, thậm chí ở một số khía cạnh nào đó họ còn có ưu thế vượt trội. Nhưng nếu xét về tổng thể, đội ngũ các nhà báo trẻ cũng còn không ít hạn chế đáng lo ngại như đã kể trên. Nói ra những điều này, không phải chúng tôi quá khắt khe, nhìn nhận các nhà báo trẻ thiếu khoa học mà vì nghề báo là một nghề đầy trách nhiệm. Chỉ cần một câu, chữ sai cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của không ít người.
Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc