Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm

13:11, 02/07/2010
Đó là nội dung đang được các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh triển khai thực hiện với những hoạt động phong phú, thiết thực, giúp hàng ngàn người lao động (chủ yếu thanh niên) được tư  vấn, định hướng nghề, có việc làm ổn định.

Thêm cơ hội  học nghề, lập nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh về lao động và việc làm đang diễn ra ngày càng gay gắt, việc hướng nghiệp, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên đã trở nên rất bức thiết. Xác định rõ trách nhiệm của mình, từ năm 2009 đến nay, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB-XH) và các đơn vị liên quan như Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc (CĐNTNDT) Tây Nguyên, Trung cấp nghề Dak Lak, Trung cấp Vinasme Tây Nguyên… tổ chức được 12 đợt tư vấn, hướng nghiệp cho 4.500 lượt học sinh lớp 12 và 24 đợt tư vấn việc làm cho thanh niên nông thôn tại 14 huyện, thành phố, thu hút 2.134 lượt người tham gia. Anh Nguyễn Quang Thuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, rút kinh nghiệm qua mỗi lần tổ chức, hoạt động tư vấn, định hướng nghề, việc làm cho thanh niên ngày càng đi vào chiều sâu cả về nội dung lẫn hình thức. Các buổi tư vấn, định hướng nghề, việc làm không dừng ở việc cung cấp những thông tin liên quan đến chế độ chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, thị trường lao động, vốn vay khởi nghiệp…mà còn giúp thanh niên trang bị những kỹ năng cần thiết khi đi xin việc (hoàn chỉnh hồ sơ, phương pháp trả lời phỏng vấn…) để thanh niên có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Em YThanh A’Drơng, lớp Cao đẳng quản trị mạng, Trường CĐNTNDT Tây Nguyên nói: “Qua buổi tư vấn nghề đã giúp em giải tỏa những băn khoăn sau khi tốt nghiệp sẽ  làm được những công việc gì, có thể  xin việc ở những cơ quan nào”. Còn sinh viên H’Bống Niê cùng trường trên chia sẻ: “Những thông tin mà các doanh nghiệp cung cấp sẽ giúp em và các bạn học ngành may có thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện tay nghề. Tin rằng em và các bạn sẽ có thừa cơ hội tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, bởi các doanh nghiệp ngành may đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao”.
Thanh niên đang tra cứu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm lần thư nhất
Thanh niên đang tra cứu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất

Cơ hội được tư vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động trong tỉnh ngày càng rộng mở khi sàn giao dịch việc làm chính thức khai trương và đi vào hoạt động (25 - 6 - 2010).  Đây chính là nơi gặp gỡ của các doanh ngiệp và người lao động, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu giải quyết việc, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

Sự chung tay của  3 nhà

 Phải khẳng định rằng, những  nỗ lực của Tỉnh Đoàn  và  Sở LĐTB-XH  trong thời gian qua đã giúp thanh niên đánh giá đúng khả năng để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Điều này được thể hiện rõ  qua xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh lớp 12. Thay vì “đua nhau” nộp hồ sơ vào các trường đại học, nhiều học sinh đã mạnh dạn đăng ký vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng hồ sơ ảo (số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng, đại học giảm gần 10.000 hồ sơ so với năm trước, trong khi số học sinh khối lớp 12 và thí sinh tự do không giảm). Đặc biệt, qua các ngày hội tuyển dụng  lao động, đã có 349 thanh niên được tuyển dụng trực tiếp, 262 người được hẹn tuyển dụng trong đợt sau qua các ngày hội tuyển dụng lao động. Cũng theo anh Nguyễn Quang Thuân, kết quả của “Chương trình đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm” không chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn trên, nếu như đơn vị tổ chức, doanh nghiệp và người lao động (thanh niên) cùng vào cuộc.
Đại diện Vụ chính sách dân tộc trả lời những câu hỏi của học viên Trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên tại buổi giao lưu trực tuyến học nghề, lập nghiệp
Đại diện Vụ chính sách dân tộc trả lời những câu hỏi của học viên Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên tại buổi giao lưu trực tuyến học nghề, lập nghiệp
Cụ thể, các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ để đào tạo lao động theo đơn đặt hàng. Làm tốt điều này sẽ tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định và giúp các doanh nghiệp không tốn thêm chi phí đào tạo lại. Thực tế cho thấy, hiện đang tồn tại một nghịch lý: nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động và nhiều thanh niên qua đào tạo nhưng vẫn không thể tìm kiếm được việc làm ổn định. Nguyên nhân là do thiếu sự hợp tác ăn ý cũng như bất cập của hệ thống đào tạo với yêu cầu của thị trường lao động. Các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ  trong việc tổ chức các buổi  tư vấn, định hướng nghề và tuyển dụng lao động để thanh niên nắm bắt được đầy đủ những thông tin cần thiết đến  thực trạng thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động. Về phía người lao động phải chủ động cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, kỹ năng để tìm chọn cho mình một nghề phù hợp.
Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.