Multimedia Đọc Báo in

Khát nước sạch do thiếu điện... 3 pha (!)

09:45, 05/07/2010

Xã Cư Kty (huyện Krông Bông) thường xuyên chịu cảnh khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, nhưng chưa bao giờ tình trạng thiếu nước lại trầm trọng và kéo dài như năm nay. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, người dân đành đánh liều xuống sông Krông Ana chở nước về dùng.

Rất đông người dân xã Cư Kty tập trung lấy nước không bảo đảm vệ sinh trên sông Krông Ana đoạn chảy qua thôn 2.
Rất đông người dân xã Cư Kty tập trung lấy nước không bảo đảm vệ sinh trên sông Krông Ana đoạn chảy qua thôn 2.


Cả xã dùng nước sông
Công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho xã được khởi công từ 2 năm nay mới hoàn thành, với hy vọng giải quyết nguồn nước cho bà con nơi đây, nhưng khi đưa vào sử dụng ai cũng ngớ người ra chỉ vì thiếu điện 3 pha để vận hành trạm bơm. Theo chân ông Phan Đức Vân – Cán bộ giao thông thủy lợi của xã ra sông Krông Ana, đoạn chảy qua thôn 2, dù đã hơn bốn giờ chiều, nhưng cái nắng vẫn còn gay gắt, từ xa đã thấy tấp nập từng đoàn người già trẻ trên những xe bò, xe trâu, công nông với đủ loại vật dụng từ xoong nồi cho đến thùng phuy, can nhựa để lấy nước. Dòng Krông Ana cũng cạn kiệt đến nỗi các loại xe có thể chạy ra giữa dòng để lấy nước. Nước sông một màu đỏ quạch, bằng mắt thường có thể thấy rất đục và mất vệ sinh. Tại vị trí lấy nước, cũng là nơi người dân tập trung tắm, giặt; trâu, bò kéo xe chở nước, tiện thể giải quyết “nỗi buồn” luôn tại đây.Vừa đưa tay múc nước vào chiếc thùng phuy, ông Đoàn Văn Hùng ở thôn 2 cho biết, từ tháng 12, giếng nhà ông dù đào sâu tới gần 1m vẫn bị cạn kiệt, gia đình có tới 8 nhân khẩu, mỗi ngày ông phải cùng con hai lần ra sông chở nước về dùng. Sáng 5 giờ đã phải dậy để lấy nước, chiều khoảng 4-5 giờ ra lấy thêm một lượt nữa, mỗi chuyến phải chở đến 4 phuy nước. “Nước ở đây bẩn và tanh lắm chú ơi! Dù lọc rồi mà nó vẫn có mùi khó uống!” Bà Trần Thị Thu, thôn 2 cho biết.
Xã Cư Kty có 8 thôn, 1.022 hộ với hơn 5.058 nhân khẩu thì có đến 80% hộ dân là thiếu nước sinh hoạt. Trong đó các thôn 1,2,3,7,8 rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng phải dùng nước sông Krông Ana. Các hộ dân phải đi xin từng can nước sạch về dùng, nhà nào có điều kiện thì mua. Cả xã giờ chỉ còn mỗi giếng nước nhà ông Đoàn Thanh Long (thôn 1) là còn nhiều nước. Ông cho biết, giếng của ông đào năm 1991 dùng để tưới cà phê nhưng không hiểu sao chẳng khi nào cạn, mỗi ngày có khoảng 20-30 người đến nhà ông xin nước; xe chở nước, thùng phuy, can nhựa để chật cứng cả sân, nếu bơm nước thì ông chỉ lấy tiền điện mỗi người 5000đồng/lượt bơm, ai có nhu cầu mua nước ông cho xe càng chở đến tận nhà với giá 50.000-100.000 đồng/4 phuy (loại phuy 200 lít/thùng), tùy ở thôn xa hay gần mà lấy giá khác nhau. “Năm nào cũng hạn hán, nhưng năm này là hạn nặng nhất. Xã cũng chỉ biết vận động bà con khoan giếng và chia sẻ nguồn nước cho nhau, nhưng việc khoan giếng ở đây không phải đơn giản bởi nguồn nước ngầm đã tụt nghiêm trọng, nhiều hộ bỏ tiền ra khoan mà không có lấy một giọt nước nào”, ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Người dân thôn 1 đi mua nước sạch về dùng.
Người dân thôn 1 đi mua nước sạch về dùng.

Muốn có nước sạch hãy chờ điện 3 pha
Cuối năm 2008, Công trình cấp nước sinh hoạt cho xã Cư Kty, công suất 550 m3 ngày đêm, với 2 khu xử lý và cung cấp nước, có số vốn đầu tư 7,8 tỷ đồng do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, được khởi công trong niềm vui vô hạn của người dân và chính quyền địa phương nơi đây. Công trình thi công đúng tiến độ, đến tháng 1-2010 các hạng mục đều được hoàn thành. Nhưng đến khi chuẩn bị vận hành thử máy, nhà thầu và chủ đầu tư mới ngớ người ra vì không tìm đâu ra nguồn điện 3 pha cho máy hoạt động, bởi hai vị trí đặt nhà máy nước đều cách xa nguồn điện 3 pha đến cả cây số. Nhà thầu đành đóng cửa nhà máy nước chờ tiền, vì đường dây điện không nằm trong hợp đồng, chủ đầu tư phải làm tờ trình điều chỉnh dự án để xin thêm kinh phí lắp đặt đường điện. Nhắc đến chuyện này, anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn 3 buồn bã nói “Thấy công trình cung cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng bà con ai cũng mừng, nào ngờ chờ dài cổ mà vẫn không thấy giọt nước nào!”. Chính quyền xã cũng không biết làm gì khác ngoài việc đưa những bức xúc của người dân kiến nghị lên huyện, với hy vọng công trình sớm được khởi động lại.

Công trình nước phải đóng cửa vì thiếu đường điện.
Công trình nước phải đóng cửa vì thiếu đường điện.

Trao đổi với chúng tôi về sự bất cập này, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Ban Quản lý Dự án huyện Krông Bông cho biết, do đường dây điện 3 pha không nằm trong thiết kế của công trình nên không có kinh phí để thi công. Hiện UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin điều chỉnh dự án và đã được phê duyệt, sắp tới đây đường điện 3 pha sẽ bắt đầu đi vào thi công. Điều đáng nói là, trong khi chờ điện, công trình nhiều tỷ đồng cũng “đắp chiếu” theo gây lãng phí, còn hàng trăm hộ dân vẫn phải “nhắm mắt” sử dụng nước sông. “Giá như khi đặt bút vẽ nên bản thiết kế, chủ đầu tư kiểm tra thực tế kỹ và bàn bạc với chính quyền địa phương thì đâu đến nỗi. Hy vọng mùa khô năm tới công trình sẽ đi vào hoạt động trơn tru để người dân bớt khổ”, ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự.

Lệ Văn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.