Multimedia Đọc Báo in

Những thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cư Kuin

15:07, 23/07/2010
Huyện Cư Kuin hiện có gần 500 thương bệnh binh đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn. Trong những năm qua, rất nhiều thương bệnh binh đã khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm giàu và không ít người trong số họ đã trở thành những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1969 đến 1976, anh Nguyễn Thế Hoa, thôn 19, xã Cư EWi đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau khi anh Hoa lập gia đình, di chứng của chất độc để lại trên người một đứa con bị khuyết tật bẩm sinh. Cuộc sống khó khăn, con lại tàn tật, anh xin vào công tác tại Công ty Cà phê Cư Kuin. Anh nhận khoán của công ty 0,5 ha cà phê. Do được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của anh luôn có năng suất và chất lượng cao. Mỗi năm, ngoài nộp đầy đủ sản lượng cho công ty, gia đình anh còn thu được 6-7 tấn cà phê nhân trị giá 150 triệu đồng. Vợ anh mở thêm dịch vụ cung cấp phân bón phục vụ người trồng cà phê trên địa bàn, hằng năm có thu nhập từ 30-50 triệu đồng. Gia đình anh có đầy đủ tiện nghi, lại đầu tư thêm các phương tiện sản xuất như hệ thống tưới nước, máy cày phay…
Ở xã Dray Bhăng cũng có một bệnh binh điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Đó là anh Phạm Ngọc Dần, thôn 13. Năm 1986, gia đình anh vào Dak Lak làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu, gia đình anh chủ yếu sống nhờ vào những loại cây ngắn ngày như bắp, đậu… Khi đã tích lũy được chút vốn thì anh đầu tư chăn nuôi lợn, mua đất để trồng cà phê. Năm 2000, trong một lần về quê Nam Định, anh Dần thấy mô hình sản xuất túi xốp rất hiệu quả, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Thế là anh gom góp hết vốn và vay thêm tiền mở một xưởng chuyên sản xuất túi xốp dân dụng. Công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi. Đến nay, mỗi tháng công việc sản xuất, kinh doanh túi xốp mang lại lãi bình quân từ 10-12 triệu đồng/tháng; anh còn tạo việc làm cho từ 18-20 lao động ở địa phương với mức lương ổn định 1,2 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Nhật Tân, thôn 7, xã Ea Ktur là một bệnh binh nặng hạng 4/4. Ngày mới vào lập nghiệp tại Dak Lak, gia đình anh vô cùng khó khăn, hai vợ chồng đều sức yếu, con còn nhỏ dại, lại không có vốn làm ăn. Anh Tân vẫn không nản lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn để thoát nghèo. Hiện nay, gia đình anh đã có 1,5 ha cà phê nhận khoán, 3 ha cao su trong đó có 1,5 ha đã cho thu hoạch và 300 trụ tiêu. Gia đình anh còn kinh doanh mua bán cà phê. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 240 triệu đồng. Anh còn tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội và giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong thôn cùng vươn lên thoát nghèo.
Mỹ Hằng

Ý kiến bạn đọc