Multimedia Đọc Báo in

Sự biến đổi các quan hệ gia đình ở đô thị

22:42, 02/07/2010
Trong điều kiện một nền kinh tế mở, năng động và đa dạng về quan hệ xã hội, những giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc ứng xử trong xã hội đang có nhiều thay đổi, mềm dẻo và linh hoạt. Các quan hệ trong gia đình cũng đang có những biến đổi làm nên sự khác biệt ngày càng rõ nét giữa gia đình ở đô thị và gia đình ở nông thôn.

Quan hệ giữa cha mẹ và con

Ở nông thôn, chức năng giáo dục con cái phần lớn được đảm nhận bởi các thành viên trong gia đình, trong đó con trẻ tiếp nhận sự giáo dục một cách tự nhiên và mang tính kinh nghiệm. Ngày nay ở đô thị, chức năng giáo dục con cái đang có khuynh hướng được chuyển giao cho nhà trường. Cha mẹ ngày càng đặt nhiều sự tin cậy cho việc giáo dục của con mình cho trường học. Trường học là nơi cung cấp một lượng lớn kiến thức cho trẻ, giúp trẻ nhanh nhạy với việc đáp ứng các yêu cầu về công việc trong tương lai nhưng mặt khác nó lại ít mềm dẻo, đặc biệt về khía cạnh tình cảm và ứng xử trong gia đình. Điều này đang ảnh hưởng tới quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con cái ngày càng tự tin và chủ động trong việc tâm tình, bộc bạch và bày tỏ ý kiến cũng như suy nghĩ tình cảm của bản thân đối với bố mẹ. Đây là điều ít thấy trong xã hội truyền thống khi việc tuân thủ tuyệt đối những quyết định, quan điểm, ý kiến của cha mẹ được xem như một chuẩn mực và bất kỳ một sự chống đối nào cho dù là hợp lý vẫn thường không được ủng hộ. Tuy nhiên, cũng chính sự “dân chủ” trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái làm nảy sinh tình trạng ngỗ ngược, cứng đầu. hay cãi hoặc có những hành động, cử chỉ mang tính "bạo hành" đối với cha mẹ mà trong gia đình truyền thống con cái chưa bao giờ dám vi phạm. Hơn nữa cũng cần thấy sự cởi mở dân chủ trong giao tiếp không có nghĩa là cha mẹ ngày càng thấu hiểu sâu sắc hơn nội tâm và suy nghĩ của con cái.
Trong xã hội hiện đại, truyền thông đại chúng đang tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các cá nhân. Nhưng nếu cha mẹ không có những định hướng cho con và giúp con điều chỉnh nhận thức và hành vi trong lĩnh vực này thì trong nhiều trường hợp sẽ dẫn tới những hậu quả xấu. Trong xã hội hiện nay, điều cần thiết là các thành viên trong gia đình phải  dành thời gian sống bên nhau, giao tiếp với nhau thường xuyên, quan tâm, chia sẻ với nhau. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho tâm lý cá nhân ổn định, giảm tải những căng thẳng trong đời sống thường nhật, lấy lại năng lượng cho các thành viên. Từ đó, các thành viên luôn tìm được hạnh phúc trong chính gia đình của mình.

Quan hệ vợ – chồng

Trong xã hội đô thị, vai trò của người phụ nữ đã có nhiều sự thay đổi, không còn chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ra xã hội. Sự eo hẹp về thời gian, bận rộn trong công việc và những mối quan hệ dày đặc bên ngoài khiến cho người phụ nữ không phải lúc nào cũng hoàn thành tốt được các vai trò trong gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những “trục trặc” trong mối quan hệ vợ chồng.
Cơ hội tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định, nâng cao trình độ chuyên môn dành cho người phụ nữ trong xã hội đô thị đã khiến cho phụ nữ nâng cao được tính độc lập cá nhân và giảm dần tình trạng phụ thuộc, ràng buộc của người vợ vào chồng. Điều này dẫn tới một thực trạng là sự khoan nhượng, kiên nhẫn, độ lượng vốn được xem như là yếu tố quan trọng để vượt qua những sóng gió trong đời sống hôn nhân, đặc biệt trong thời gian đầu chung sống đã bị sụt giảm đáng kể. Trên thực tế, tỷ lệ ly hôn, trong đó những trường hợp người vợ đứng đơn xin ly hôn ở đô thị luôn cao hơn ở nông thôn là vì vậy.

Đời sống tinh thần

Gia đình là một tổ chức đời sống tinh thần lành mạnh cho mỗi thành viên, giúp các thành viên lấy lại sự cân bằng về tâm sinh lý, làm giảm đi sự mất cân bằng do áp lực trong cuộc sống. Chính sự tổ chức đời sống tinh thần đã làm cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình trở nên khăng khít và gắn bó, giúp nuôi dưỡng và nâng cao tình cảm gia đình. Hoạt động văn hóa tinh thần rất đa dạng bao gồm nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thăm hỏi bạn bè, giao tiếp xã hội, thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật…
Hệ thống dịch vụ phát triển tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các cá nhân và gia đình. Nếu như trước đây vào ngày nghỉ hay lễ tết, các cá nhân thường vui chơi quây quần trong gia đình hoặc đến nhà bạn bè thì hiện nay những sinh hoạt văn hóa tinh thần bên ngoài gia đình càng ngày trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn. Ở một số gia đình, việc tổ chức vui chơi, giải trí có sự không trùng khớp nhau về mặt thời gian do quỹ thời gian của mọi người khác nhau. Như vậy, dù cường độ có tăng lên nhưng việc tổ chức không dành cho sự tập hợp tất cả các thành viên trong gia đình cũng như diễn ra phần lớn ở phạm vi ngoài gia đình có thể xem như một biểu hiện sút giảm hoạt động vui chơi giải trí trong khuôn khổ gia đình hiện nay.
Điều này dự báo một hiện tượng đáng lo ngại trong tương lai đó là sau thời gian làm việc, các thành viên không tận dụng những giờ phút hiếm hoi của mình để ở bên nhau mà chủ yếu tham gia vào việc giải trí bên ngoài khuôn khổ gia đình khiến cho gia đình không còn là một tổ ấm theo đúng nghĩa của nó nữa. Mặt khác, nó cũng cảnh báo tình trạng đáng lo ngại do các thành viên sử dụng quỹ thời gian vào việc vui chơi giải trí khác nhau dẫn đến cha mẹ không thể kiểm soát được kế hoạch vui chơi giải trí của con cái.
Do đó, tăng cường tận dụng thời gian hiếm hoi để ở bên nhau, trò chuyện chia sẻ, cùng tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí trong và ngoài gia đình là những yếu tố cần thiết để duy trì ngọn lửa yêu thương và sự gắn kết trong gia đình.
Thạc sĩ Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.