Buôn Tơng Rang A 3 năm liền không có người sinh con thứ ba
Buôn Tơng Rang A (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) có 66 hộ, 368 khẩu, 98% là người dân tộc thiểu số, đời sống tuy còn nhiều khó khăn, thế nhưng 3 năm qua buôn Tơng Rang A luôn là buôn duy nhất của xã không có trường hợp sinh con thứ 3.
Mặc dù đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí chưa được nâng cao. Song những năm qua, với sự nhiệt tình của cộng tác viên dân số, người dân trong buôn đã dần nhận thức được ý nghĩa tác dụng của việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Nhờ vậy, tình trạng sinh con thứ 3 ngày một giảm mạnh, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng lên hằng năm. Amí Thuận, cộng tác viên dân số của buôn cho biết: “Là một cộng tác viên dân số tôi luôn hết mình trong công tác tuyên truyền vận động chị em kể cả tại nhà và các cuộc họp để mọi người hiểu được lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, từ đó thực hiện cho tốt”. Không dừng lại ở việc vận động, cộng tác viên dân số của buôn còn đến từng nhà, gặp từng người để cấp phát miễn phí các dụng cụ tránh thai, hướng dẫn chị em áp dụng… Chị H’Uôn Niê, một phụ nữ trong buôn cho hay: “Nhờ các chị cộng tác viên giải thích kỹ lưỡng tôi đã hiểu được việc đẻ nhiều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống. Vì vậy tôi bàn với chồng quyết định đi đình sản, dừng lại ở 2 con để chăm lo hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan”. Còn chị H’Diêng Niê, năm nay mới 22 tuổi nhưng đã có hai con gái cho biết: “Nghe theo lời khuyên của các chị cán bộ dân số mình đã bàn với chồng dù trai hay gái chỉ hai là đủ. Nên giờ đây cuốc sống gia đình rất hạnh phúc, các con đều được đến trường, kinh tế ngày càng khấm khá. Tuy còn trẻ nhưng nhà mình đã mua được xe máy, ti vi và những dụng cụ phục vụ cho sản xuất”…
Hai cô gái của gia đình chị H'Điêng Niê xinh xắn khỏe mạnh. |
3 năm qua, buôn Tơng Rang A luôn là điểm sáng của xã Cư Drăm trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Hằng năm có trên 80% cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc đẻ ít, đẻ thưa đã góp phần thiết thực hạn chế đói nghèo ở địa phương, theo đó nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn chỉ còn 30%. Chị H’Hương Êban, cán bộ chuyên trách dân số xã tâm sự, có được kết quả đó một phần nhờ vào ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh thai, đình sản và sức lan tỏa từ phong trào tuyên truyền vận động của các cộng tác viên cơ sở. Họ đã sâu sát người dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, từ đó đưa ra các giải pháp, lời động viên kịp thời giúp chị em nhận thức vượt qua được những vướng mắc, trở ngại về tâm lý gia đình, tự tin cùng nhau xây dựng cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc