Gắn bó với nghề rèn truyền thống
Dưới cái nóng nực của mùa hè, hai người đàn ông, một già một trẻ nhễ nhại mồ hôi vẫn đánh trần quai búa, bên cạnh bễ than rừng rực lửa, đó là cha con ông Ngô Quốc Hương, buôn chàm A, xã Cư Krăm (Krông Bông) mà người dân nơi đây vẫn quen gọi với cái tên trìu mến “ông lão thợ rèn”.
Xuất thân từ làng nghề rèn truyền thống Quang Trung, Vụ Bản, Nam Định, và mong muốn đem cái nghề của ông cha mình quảng bá ra nhiều nơi, năm 2000, hai cha con ông Hương khăn gói vào Dak Lak để gây dựng cơ đồ. Từ những ngày đầu mở lò rèn còn nhiều bỡ ngỡ, khách hàng ít, do chưa hiểu hết nhu cầu sử dụng nông cụ của người dân nơi đây, nên ông Hương chỉ làm ra những sản phẩm nhỏ như dao, cuốc để bán và sửa chữa lại những nông cụ hỏng của một vài người mang đến. Nhưng với quyết tâm giữ nghề và mưu sinh cùng nghề, những khó khăn ban đầu không làm nản chí mà càng khiến họ miệt mài hơn trong công việc. Sau một thời gian ngắn vừa làm vừa nghiên cứu thị trường và nhu cầu của nông dân trên địa bàn, ông Hương nhận thấy cần phải duy trì nghề rèn, để bà con muốn mua một con dao, câu liêm… không phải đi hàng mấy chục cây số ra thị trấn mới có. Từ đó, hàng ngày, anh Ngô Văn Sơn (con ông Hương) đã đi đến nhiều nơi trong tỉnh tìm mua những nguyên liệu thép tốt về rèn sản phẩm mới. Lượng khách cũng đông dần lên, giờ đây, nhiều người địa phương khác cũng tìm đến; sản phẩm rèn cũng đa dạng hơn với các loại cuốc, xẻng, rìu, xà gạt… mà hai cha con ông làm ra đều có chất lượng tốt, độ bền cao, và luôn được khách hàng tin tưởng. Mỗi ngày họ làm ra khoảng 10-15 sản phẩm, lấy công làm lãi, bán với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cái tùy loại, nhiều khi hàng làm không kịp bán. Ông Hương cho biết, nông cụ đạt chất lượng cao không chỉ nhờ nguyên liệu tốt, mà còn phải có cái tâm của người thợ, kết hợp với kỹ thuật, kinh nghiệm tôi thép.
Hai cha con ông Ngô Quốc Hương đang rèn dao. |
Mặc dù thu nhập mỗi tháng cả hai cha con chỉ đủ sống, nhưng với nghề của cha ông thì không thể bỏ hoặc vì muốn trục lợi mà hời hợt làm dối được, bởi với nghề rèn thủ công truyền thống, để giữ được nghề và truyền nghề là việc làm không dễ. Ông Hương cho biết thêm, trong 5 người con của ông chỉ có anh Sơn là nối được nghiệp của ông cha, còn lại đã tìm ngành nghề khác cả rồi. Riêng anh Sơn, không chỉ muốn gìn giữ mà còn có ý định phát triển nghề rèn, anh dự định sẽ vận động những người bạn ngoài quê vào đây cùng mở rộng nghề rèn thành xưởng lớn nhằm quảng bá sản phẩm đi khắp tỉnh. Với mục đích là phục vụ bà con nông dân và lưu giữ nghề truyền thống của quê hương.
Ý kiến bạn đọc