Multimedia Đọc Báo in

Nghề... câu cũng lắm công phu

16:40, 13/08/2010

Tại hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vào thời gian nước xuống này, mỗi ngày có hàng chục người đến câu và đánh bắt cá, có người vì mưu sinh, cũng có người đi câu chỉ để tiêu khiển.

Nghề kiếm “cơm”
Xưa, ông cha ta xếp câu cá vào hàng tứ ẩn (ngư, tiều, canh, độc) để nói về cái thú điền viên sơn thủy, lánh xa trần tục. Nay, câu cá còn trở thành một cái nghề kiếm “cơm” của nhiều người. Ngay từ sáng sớm, trên bờ hồ Ea Kao đã xuất hiện 5 – 7 người đàn ông đi xe máy đến ngồi giăng câu. Đây là những người chuyên kiếm sống bằng nghề cá, họ thường đặt từ 10 - 15 cần câu một chỗ (mỗi chiếc có giá từ 500.000- 1000.000 đồng), chỉ cần căng một tấm bạt nhỏ để che nắng, là người câu có thể “ăn chực nằm chờ” ở đây cả ngày để câu cá. Người đi câu chuyên nghiệp luôn cẩn thận trong từng thao tác từ mắc mồi, đến quăng dây, gỡ cá, và trong số họ ít nhiều đều có kinh nghiệm riêng để câu được cá, không ai hé lộ cho người khác biết về những bí quyết của mình. Anh Hòa, người câu cá nhiều năm ở đây cho biết, năm ngoái anh đã chinh phục được 5 con cá “khủng” loại trắm ốc, chép đen có trọng lượng từ 10 kg trở lên tại hồ Ea Kao, còn những con vài ba kg thì không kể hết. Hằng ngày, anh thức dậy lúc 3 giờ sáng, làm mồi câu, chuẩn bị mọi thứ, 4 giờ đã có mặt ở hồ để giành chỗ câu thuận lợi nhất. Còn anh Quang, với kinh nghiệm 7 năm trong nghề thì khẳng định, anh có thể nhìn ra xa cả vài chục mét để đoán biết được loại cá nào vừa quẫy sóng trên mặt nước, và nặng bao nhiêu cân, ngoài ra, khi cá cắn câu anh còn biết chắc chắn là loại cá gì. Anh thường đặt 12 chiếc cần song song cạnh nhau, quăng dây xa 20- 30m, để câu những loại trắm, trôi, chép, và có thêm 2 chiếc cần câu nổi (có phao) để câu cá mè. Mỗi người câu chuyên nghiệp khi đến hồ Ea kao, chỉ cần đóng tiền cho ban quản lý hồ 30.000 đồng là có thể ngồi cả ngày. Ông An, thợ câu già nhất tại đây tiết lộ, ngày nào cũng câu được cá không ít thì nhiều. Mọi năm ông và đồng nghiệp thường câu được cá lớn hàng chục kg, nhưng năm nay chưa có ai câu được con nào to chừng ấy. Ngồi câu cả ngày, thoạt nhìn rất nhàn nhã nhưng cũng hết sức mệt mỏi, nếu không kiên trì thì không theo đuổi được cái nghề này. Nhiều hôm vác cần đi câu chỉ được vài con cá nhỏ mang về ăn, không có bán, mọi chi phí ăn, uống, mồi câu… trong ngày, tính ra phải bù lỗ gần cả trăm ngàn, nhưng có hôm may mắn câu được nhiều, cũng thu được món lãi kha khá. Dù làm ngày nào chỉ đủ ăn tiêu ngày đó, song không ít người đã gắn với chiếc cần câu của mình suốt cả cuộc đời, bởi niềm đam mê, yêu nghề và cả cái duyên nữa. “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề câu”. Ông An bộc bạch.

Những thợ câu chuyên nghiệp dựng lều ngồi đợi cá cắn câu.
Những thợ câu chuyên nghiệp dựng lều ngồi đợi cá cắn câu.

Và những cái thú... “trời đày”
Hàng ngày, hồ Ea Kao không chỉ “đón tiếp” những thợ câu chuyên nghiệp hành nghề kiếm sống, mà còn thu hút hàng chục người từ nội thành đến để thỏa mãn thú vui, có hôm bỏ cả công việc rủ nhau đi câu, dù câu được cá hay không (mà thường là câu không được) họ bỏ tiền túi ra mua cá ngoài chợ vào, thổi lửa nướng lên rồi cùng nhau vui vẻ nhậu ngay tại chỗ. Trên địa bàn thành phố có nhiều dịch vụ kinh doanh hồ câu, nhưng “thường vào đó là tốn kém, không gian hồ chật hẹp gò bó, câu ở đây chỉ tốn ít tiền, lại rất thoáng mát”, anh Toàn (phường Tân Thành) tâm sự. Cá câu được nếu không nướng nhậu ngay tại chỗ thì cũng đem về khoe với vợ con, xong anh em lại tổ chức lai rai ngay tối hôm đó. Nhiều khi câu trúng cá quá nhỏ thì trả lại hồ, chỉ bắt cá to, nhưng thường thì các tay câu này chả mấy khi câu được cá, nhưng ai cũng hồ hởi, vì được hòa mình với thiên nhiên, giảm bớt căng thẳng sau những ngày vùi đầu vào công việc. Để tranh đua ngôi vị “câu thủ số 1” và tạo nên sự hứng thú trong mỗi chuyến đi, các “câu thủ” không chuyên này cũng tốn không ít công phu rèn luyện. Từ việc mua cần câu xịn, mồi câu ngon… đến “tầm sư học đạo” ở các bạn câu đi trước trong cách chọn vị trí địa điểm ngồi câu, mồi câu phải phù hợp cho từng loại cá... Nhưng tốn kém nhiều nhất vẫn là thời gian, có khi ngồi cả ngày nhễ nhại mồ hôi hoặc phải dầm mưa, giật cần đến mỏi tay mà chỉ được vài con cá nhỏ cắn câu, nhưng chẳng mấy ai cảm thấy phiền lòng vì chỉ để thỏa niềm đam mê. Mỗi bộ cần câu (loại kha khá) cũng ngót nghét bạc triệu, anh Hạnh (Phường Ea Tam) kể: “Hồi mới chơi chỉ câu cần nhựa giá 45.000đ thôi, càng ngày càng ham, đầu tư cần xịn mấy cũng thấy không thỏa”. Rồi tiền lưỡi câu, tiền mồi, tiền xăng xe đi lại, cũng ngốn kha khá phần lương tháng. Tài chính là một nhẽ, nhìn công sức bỏ ra mới thấy niềm đam mê thực sự. Anh cười: “Có lần đi câu mang theo luôn cả chìa khóa nhà, vợ con về không vào được phải đến nhà ngoại nghỉ tạm”. Cái sự si mê hơi điền rồ của các anh đôi khi cũng khiến các chị vợ kêu ca. Chị Hà. vợ anh Tiến ra hồ xem chồng câu, than thở: “Không hiểu nổi anh ấy đam mê gì ở chuyện câu kéo này. Ngồi cả ngày ngoài nắng, bỏ cơm nước, vợ con để câu mấy con cá nhép”. Lúc về chị Hà thì thầm vào tai tôi: “Cũng may anh ấy mê câu cá chứ mê câu mấy thứ tầm bậy khác còn nguy hiểm hơn. Câu cá cũng tốt cho sức khỏe, lại rèn được cái tính bớt nóng của anh nên tôi cũng đỡ lo”.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.