Multimedia Đọc Báo in

Trẻ em nông thôn “khát” sân chơi hè

17:43, 12/08/2010

Thời điểm này, 2/3 thời gian hè đã trôi qua nhưng dư âm của nó đối với trẻ em nông thôn lại chẳng là bao, khi những hoạt động hè dường như chỉ thoáng qua để rồi trẻ phải tự tìm một trò chơi mới để thỏa mãn tính hiếu động của tuổi thơ.

Mặc dù khi bước vào hè, các địa phương đều có các kế hoạch tổ chức hoạt động, vui chơi cho thanh thiếu niên, tuy nhiên các hoạt động này rất hời hợt, tổ chức qua loa, không để lại dấu ấn trong tâm trí các em. Em Y Nết (buôn Kla, huyện Krông Ana), nhanh nhẹn xua đàn bò ra đồng, vừa nói, ở buôn của em ngoài việc khoảng 2 hoặc 3 tuần các anh chị đoàn viên thanh niên chi đoàn luôn tập hợp thiếu nhi sinh hoạt một lần vào buổi tối thì không có hoạt động nào khác, bên cạnh việc giúp cha mẹ thì tụi em tự chơi là chính.

Không gian ở các vùng nông thôn tỉnh ta rất rộng, nhưng trẻ em vẫn thiếu sân chơi, bởi chưa có sự quy hoạch cụ thể. Hầu hết các địa phương đều có nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang, tốn kém, nhưng khánh thành xong phần nhiều trong số đó lại để không, ít hoạt động vì thiếu đồ chơi, sách báo, hiệu quả hoạt động không cao, trong khi trẻ em nông thôn lại rất cần một nơi rộng rãi và dễ kiểm soát. Xã Ea Bông (huyện Krông Ana) có gần 900 em trong độ tuổi thanh thiếu niên nhưng địa điểm vui chơi hầu như rất ít, các hoạt động hè thưa thớt, năm nào có sinh viên tình nguyện (SVTN) hè thì các hoạt động mới sôi nổi hơn. Anh Văn Hữu Chức, Bí thư Đoàn xã cho biết: người dân ở đây chủ yếu là làm nông nghiệp nên khi nghỉ hè các em học sinh (HS) đều tranh thủ giúp đỡ gia đình những việc vặt. Chính vì vậy, việc quản lý HS trong dịp hè cũng có điểm khác. Chẳng hạn, khi tổ chức hoạt động bề nổi cho các em, chúng tôi chú ý vấn đề sắp xếp thời gian một cách hợp lý như tổ chức sinh hoạt vào buổi tối để không ảnh hưởng đến việc các em giúp đỡ gia đình. Sân chơi hè vùng nông thôn có nhưng thiếu và đơn điệu, đó là nhận định của những SVTN Trường Đại học Tây Nguyên khi tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” năm 2010 tại vùng nông thôn. Trong các chiến dịch hè tình nguyện, Tỉnh Đoàn luôn kêu gọi các đơn vị tham gia chiến dịch nỗ lực lồng ghép các hoạt động xã hội với việc tạo sân chơi cho trẻ em. Nhưng những buổi sinh hoạt “chớp nhoáng” với vài ba trò chơi tập thể đơn giản ở  những nơi có lực lượng SVTN ghé qua vẫn là chưa đủ so với khát khao được vui chơi thỏa thích trong cả kỳ nghỉ của HS.
Để thỏa mãn, các em thường tụ tập chơi trò bịt mắt bắt dê, trốn tìm, đá bóng ngay các tuyến đường chạy qua thôn, buôn hay trên các cánh đồng… nhiều em lại phải theo cha mẹ lên nương, rẫy để chơi. Cùng ra đồng, tôi đã được chứng kiến các trò chơi dân gian của lũ trẻ, vài đứa chơi đuổi bắt, bên cạnh đó là trò đánh trận giả… và kết thúc trò chơi là những hình phạt ngộ nghĩnh, trẻ con. Vừa làm, vừa chơi, đầu trần, chân đất dưới cái nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại nhưng chúng thật hồn nhiên, ngây thơ.

Ngày hè, thay vì được vui chơi, một số thiếu nhi ở buôn Tơ Lơ (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) lại đi chăn bò.
Ngày hè, thay vì được vui chơi, một số thiếu nhi ở buôn Tơ Lơ (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) lại đi chăn bò.
Em Trần Thị Thúy (huyện Buôn Đôn) vô tư cho biết: Em thường theo cha mẹ đi làm rẫy, hoặc rủ mấy bạn cùng tuổi đi chăn bò, bẻ ngô hay đi làm cỏ ruộng, chẳng thấy ai đi học hè bao giờ. Ở các thôn, buôn việc tổ chức ôn tập hè diễn ra không đồng bộ, những nơi có SVTN các em còn được ôn tập hè, còn lại hầu như là không. Chị Hoàng Thị Minh (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bức xúc nói: “cả xã không có một địa điểm nào để cho trẻ em vui chơi lành mạnh, an toàn cả. Mùa hè, bọn nhỏ theo cha mẹ ra đồng chơi, không thì tập trung lại để đá banh trên những chân ruộng khô, trẻ em tự chơi với nhau là chính, không biết đến ôn tập hè là gì”. Đó là tình trạng chung ở các vùng nông thôn, bởi cha mẹ phải bận bịu công việc đồng áng nên thường để con cái tự chơi, hoặc đứa lớn trông đứa bé chứ họ không thể giữ con mãi được. Điều mà những bậc phụ huynh mong muốn là có một sân chơi tích cực, lành mạnh cho con em, đó phải là môi trường để các em được phát triển một cách toàn diện, giúp các em vừa chơi, vừa học và được chăm sóc đầy đủ. Nhưng xem ra điều này còn quá xa vời, khó thành hiện thực với trẻ em khu vực nông thôn.

Một sân chơi bổ ích, trí tuệ và ý nghĩa cho trẻ em nông thôn mỗi độ hè về vẫn đang là vấn đề trăn trở của các cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh HS. Thiết nghĩ, trước mắt vẫn cần củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các phong trào Đoàn, phong trào TNTN tại các địa phương để góp phần nâng cao ý thức học tập, vui chơi của các em nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong dịp hè.

 

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc