Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ người tiêu dùng mới yên tâm về chất lượng đồ chơi trẻ em?

Bài 1: Đồ chơi trẻ em: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

09:35, 15/10/2010

Có thể nói, thị trường  đồ chơi trẻ em (ĐCTE) rất đa dạng, phong phú, bởi ĐCTE không chỉ được bày bán trong các cửa hàng, shop baby, trong chợ mà thậm chí mặt hàng này còn được bày bán ngay trên vỉa hè đường phố. Thế nhưng, để tìm được loại đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với lứa tuổi của trẻ lại không dễ dàng…

Dành một buổi chiều đi dạo quanh các cửa hàng đồ chơi ở thành phố để tìm mua một món đồ chơi tặng sinh nhật con trai 3 tuổi, chị Nguyễn Phương Lan (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cảm thấy  “choáng ngợp” trước thế giới đồ chơi trẻ em. Từ thú nhồi bông, các loại xe, đồ chơi lắp ráp cho đến rôbốt, súng, gươm, giáo, mác, các loại đồ chơi như phi cơ, tên lửa và các nhân vật được mô phỏng y hệt như trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình của trẻ em …, thấy thứ gì cậu con trai cũng đòi mua, chị thì cứ đắn đo không biết loại đồ chơi đó có phù hợp với lứa tuổi và chất lượng của nó ra sao. Chị Lan băn khoăn: “Tôi thấy chủ yếu là đồ chơi có chữ Trung Quốc trên bao bì hoặc đồ chơi bằng nhựa Chợ Lớn, màu sắc rất sặc sỡ, giá cả từ vài nghìn đến vài trăm nghìn nhưng chẳng biết căn cứ vào đâu để xác định nó có an toàn không, chất lượng ra sao?”. Sau một hồi loay hoay trong cửa hàng đồ chơi, chị Lan đành lựa chọn giải pháp an toàn là mua cho con một bộ xếp hình bằng gỗ, mặc dù đứa con trai đang ôm riết con rôbốt có âm thanh với tiếng súng bắn “pằng…pằng” nằng nặc đòi mẹ mua.

Trong lần đi chợ Buôn Ma Thuột để mua hàng, chị Phạm Minh Trang ở phường Tân Lợi tranh thủ ghé khu bán đồ chơi để tìm mua cho 2 cậu con trai vài món đồ mới. Quả không sai khi nơi đây được coi là “đại bản doanh” của ĐCTE, bởi các loại đồ chơi được bày bán rất đa dạng và phong phú. Những tưởng giữa một “rừng” đồ chơi thì việc mua vài món đồ chơi cho bọn trẻ sẽ chẳng khó khăn gì, song, để lựa chọn được món đồ chơi bảo đảm an toàn, hợp với lứa tuổi của con mình, chị Trang mới thấy đồ chơi không phong phú như suy nghĩ. Chị cho biết: “Được nghe khuyến cáo về các loại đồ chơi an toàn cho trẻ em, nhưng, khi đến các cửa hàng đồ chơi, tôi thấy ĐCTE hiện nay dường như nhiều tính bạo lực, ít tính giáo dục; hơn nữa lại chủ yếu là đồ chơi Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. Vì thế, lần nào đi mua đồ chơi cho các cháu, tôi đều băn khoăn, không mua thì con không có cái chơi, còn mua thì… cũng thấy lo!”. Cũng từng có vài lần thất vọng khi ở giữa thành phố rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ bán ĐCTE mà vẫn không mua được món đồ chơi ưng ý cho con, chị Lưu thị Nụ (đường Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Ở thành phố có rất nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, hàng hóa cũng rất phong phú, song, lần nào đi mua đồ chơi cho con tôi cũng mất thời gian cả buổi, vì thực tế đồ chơi được bày bán nhiều, nhưng để tìm được đồ chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi của con mình lại rất khó…”.

Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ vẫn đang chơi các loại đồ chơi không bảo đảm an toàn và phù hợp với lứa tuổi.
Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ vẫn đang chơi các loại đồ chơi không bảo đảm an toàn và phù hợp với lứa tuổi.

Quả thực, qua khảo sát tại một số cửa hàng ĐCTE trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, điểm chung ở hầu hết các cửa hàng là sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Thế nhưng, ngoài khu vực bán đồ chơi của Nhà sách Giáo dục, phần lớn các cửa hàng đều bày trí hàng hóa theo tính “thời sự” (tức là chạy theo mẫu mã mới, mặt hàng mới) để thu hút sự chú ý của khách hàng“nhí” chứ chưa thực hiện sắp xếp đồ chơi theo lứa tuổi để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Hơn nữa, đa số người kinh doanh ĐCTE đều chưa thật sự quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay hàng trôi nổi. Lý giải về vấn đề này, một chủ cửa hàng ĐCTE ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Khi mua đồ chơi, người tiêu dùng ít quan tâm đến xuất xứ mà chỉ lựa chọn về kiểu dáng mẫu mã và giá cả. Vì vậy, nên cửa hàng chúng tôi cũng phải chạy theo để đáp ứng nhu cầu. Thực tế, chúng tôi cũng rất muốn bán các sản phẩm “hàng hiệu” nhưng giá cả của những mặt hàng này khá cao, mẫu mã, chủng loại lại không phong phú nên không “hút” khách”.

Rõ ràng, thị trường đồ chơi hiện nay rất phong phú, nhưng đồ chơi vừa bảo đảm về chất lượng, mang tính giáo dục cao vừa hợp lý về giá cả lại không nhiều. Mặt khác, những loại đồ chơi “hàng hiệu” chủ yếu là hàng ngoại nhập với giá rất cao. (Ví dụ, một bộ ghép gỗ nhà nông trại Veesano, nhập khẩu từ Đức có giá 272.000 đồng; bộ domino chim cánh cụt Veesano có giá 295.000 đồng; lúc lắc hình con vật Chicco có giá 235.000 đồng; xe ô tô 4 cách chơi của hãng Chicco có giá tới gần 4 triệu đồng…) và phải đặt hàng từ TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội bởi thị trường các tỉnh hầu như không có các loại đồ chơi này. Vì thế, những người có mức thu nhập trung bình thì khó có thể mua nổi “hàng hiệu”. Hơn nữa, hiện nay, trong số các bậc phụ huynh, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của đồ chơi đối với trẻ nhỏ, nên khi lựa chọn đồ chơi cho con thường chọn mua theo sở thích chứ chưa chú trọng đến các yếu tố lứa tuổi và độ an toàn.

 

Kim Oanh - Hồng Thủy

 


Ý kiến bạn đọc