Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo “Đại biểu dân cử với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”

18:26, 13/10/2010

Ngày 13-10,Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề  “Đại biểu dân cử với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” với sự tham dự các bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các sở ban ngành đoàn thể liên quan của tỉnh. Các đồng chí Nguyễn Văn Tuyết, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Hữu Lượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo giới thiệu những thông tin cần thiết về tai nạn thương tích ở trẻ em và ảnh hưởng của nó đến việc phát triển kinh tế - xã hội; giới thiệu hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại Việt Nam; đồng thời trao đổi kinh nghiệm về việc lồng ghép các mục tiêu về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và giám sát việc phòng chống tai nạn thương tích tại địa phương.

a
Ông Nguyễn Văn Tuyết, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Hội thảo đã chỉ rõ những tai nạn thương tích dễ xảy ra đối với trẻ em gồm: đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng, cháy, ngạt tắc đường thở, vật sắc nhọn cắt đâm, điện giật, sét đánh, ngộ độc, động vật cắn, húc, bom mìn và các vật liệu nổ…, trong đó phổ biến nhất là đuối nước và tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng năm 2008 đã có 3.523 trẻ em và người chưa thành niên bị tử vong do đuối nước. Dak Lak là một trong 15 tỉnh có số tử vong do đuối nước cao nhất. Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong cao sau đuối nước. Con số báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia trong năm 2007 cho thấy, cả nước có hơn 14.150 người chết do tai nạn giao thông, ước tính hơn 35% nạn nhân là trẻ em. Với nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông ở trẻ em, hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích và có liên quan phòng chống tai nạn thương tích mới chủ yếu có ở 3 lĩnh vực: giao thông đường bộ, giao thông đường thuỷ nội địa; đuối nước và môi trường học đường an toàn đối với học sinh tiểu học, mẫu giáo, mầm non.

a
Nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu bày tỏ tại Hội thảo

 

Từ thực trạng và những nguy cơ đe doạ thương tích đối với trẻ em, các đại biểu đều khẳng định, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em là một vấn đề vô cùng quan trọng, cần kíp. Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Võ Quang Tuyên bày tỏ: Những con số mà Hội thảo đưa ra chắc hẳn khiến nhiều đại biểu giật mình, gióng lên hồi chuông cảnh báo, cần có suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề này. Trước thực tế là chưa có một báo cáo nghiên cứu cụ thể, đầy đủ, toàn diện nào về tai nạn thương tích trẻ em, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường lồng ghép nội dung này trong các chương trình hoạt động… Đại biểu Trương Văn Tỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh hiến kế: Phải có nghị quyết chuyên đề về việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và có sự giám sát thường xuyên, nghiêm túc của các đại biểu dân cử đối với việc thực hiện của UBND các cấp; các cấp uỷ đảng có thể coi đó là tiêu chí trong đánh giá phân loại chất lượng hoạt động; tập trung xây dựng mô hình điểm; thực hiện lồng ghép các phong trào; mở nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em…

Ngày 14-10, Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận và giới thiệu thực trạng tình hình tai nạn thương tích trẻ em ở Dak Lak cũng như vấn đề lồng ghép, thực hiện các mục tiêu về phòng chống TNTT trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đàm Thuần – Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.