Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao chất lượng cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở

10:41, 30/10/2010

Cán bộ các cơ sở Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh (gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, phường, thị trấn) hiện có 368 người, trong đó cán bộ nữ chiếm 9,78%, cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 25,81 %, cán bộ là đảng viên là 60,32%. Về độ tuổi, cán bộ dưới 30 tuổi chỉ có 3,8%, cán bộ trên 50 tuổi chiếm 25,27%. Về trình độ giáo dục phổ thông, có  36,95% cán bộ tốt nghiệp THCS, 60,86% người tốt nghiệp THPT. Số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm 3,26%;  tốt nghiệp trung cấp là 10,32.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở hiện có đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; góp phần giúp phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở  địa phương.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đội ngũ cán bộ cơ sở Hội vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng cán bộ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị còn ít, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức về các chủ trương, nghị quyết, chính sách của một số ít cán bộ Hội chưa sâu nên khi triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự năng động, sáng tạo, thiếu chặt chẽ, không khoa học, thiếu linh hoạt, hiệu quả chưa cao trong công tác phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương. Vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ Hội có tác phong làm việc thiếu gương mẫu, tinh thần và thái độ làm việc còn nhiều hạn chế, thậm chí còn gây phiền hà cho hội viên, nông dân và các đơn vị phối hợp. Mặt khác, cơ chế hoạt động của Hội còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với cán bộ và hội viên nông dân. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt Chỉ thị 59 - CT/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 17/1998/QĐ – TTg ngày 24-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả. Một vấn đề nữa là trong khi công việc ở cơ sở rất nhiều nhưng chế độ đãi ngộ cán bộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra, do đó chưa khuyến khích được lòng nhiệt tình, sự đam mê trong công việc đối với phần lớn cán bộ cơ sở Hội.

Tiết mụa tham gia hội thi của đội Dak Lak trong phần thi quê hương tôi. (Ảnh: P.H)
Tiết mục tham gia hội thi của đội Dak Lak trong phần thi quê hương tôi. (Ảnh: P.H)

Có thể nói, hạn chế về năng lực cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội còn khó khăn, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; nội dung sinh hoạt của các chi hội còn sơ sài; một số cơ sở Hội chưa thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua của nông dân, chưa thu hút được nông dân tham gia tổ chức Hội.

Hội nghị lần thứ 7 (Khóa X) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 26 (NQ 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện thành công NQ 26, cần phải sử dụng tổng hợp các nguồn lực như vốn, khoa học - kỹ thuật, nhân lực... trong đó, nguồn nhân lực giữ vai trò cực kỳ quan trọng và đóng vai trò quyết định mà vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở Hội Nông dân là nhân tố quan trọng trong quá trình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân và triển khai tổ chức thực hiện. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh cần phải có chính sách và giải pháp đồng bộ về công tác cán bộ cơ sở nhằm thu hút đội ngũ trí thức về công tác tại địa bàn nông thôn, đồng thời phải chủ động tạo nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương. Để đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, cần thiết phải bố trí cán bộ được đào tạo các chuyên ngành về kinh tế - xã hội tại các xã, phường, thị trấn (trong đó có bố trí cán bộ cho Hội Nông dân), đồng thời phải có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, để họ yên tâm công tác và phát huy những kiến thức được đào tạo. Khuyến khích và mạnh dạn tiếp nhận số sinh viên mới ra trường có nhu cầu việc làm về công tác tại địa bàn nông thôn, đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng số cán bộ hiện có, có năng lực, có sự nhiệt tình, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn.                                      

Lại Hồng Anh


Ý kiến bạn đọc